Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Vàng đắng – cây thuốc quý cần bảo tồn

23/01/2024

Tại Đà Nẵng, trong đợt khảo sát cây thuốc mới đây, chúng tôi đã phát hiện cây vàng đắng có phân bố rải rác ở khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và bán đảo Sơn Trà. Đây là cây thuốc quý, là nguồn nguyên liệu chiết xuất berberin trong công nghiệp dược; nhưng do bị khai thác quá mức nên từ năm 1996 loài cây thuốc này đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để lưu ý bảo vệ và khai thác hợp lý.

Một cây vàng đắng tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ảnh: P.C.T

Vàng đắng (Coscinium fenestratum ; họ Tiết dê – Menispermaceae) là loài dây leo to, thân gỗ. Rễ và thân màu vàng. Thân mập, vỏ nứt nẻ, có u lồi và màu xám trắng, cành non có lông. Lá mọc so le, hình trứng, dài 11 – 26cm, rộng 5 – 16cm, gốc tròn hay bằng, đầu nhọn, mặt trên nhẵn bóng, màu lục sẫm, mặt dưới có lông nhỏ, màu trắng bạc, gân chính 3-5; cuống lá dài 4 -14cm, dày lên ở hai đầu, đính vào bên trong phiến lá. Cụm hoa mọc ở kẽ những lá đã rụng thành chùm xim, dài 1- 4cm; hoa đơn tính, gần như không cuống; bao hoa có 6 phiến gần bằng nhau, hình mác, mặt ngoài có lông, 6 nhị xếp thành hai vòng và 6 nhị lép có lông. Quả hạch hình cầu, đường kính 2 – 2,5cm, vỏ quả dày có lông mịn. Mùa hoa quả: tháng 1-5.

Theo Đông y, Vàng đắng có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi thấp. Thân và rễ vàng đắng được dùng làm thuốc như hoàng đằng để chữa tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn, lỵ amíp, rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn đường ruột, bệnh tả cấp. Ngày dùng 4 – 6g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc viên. Viên berberin có loại 0,05g dùng cho người lớn, ngày uống 4-8 viên, chia làm 2 lần, dùng liên tục 5 ngày. Và viên loại 0,01g cho trẻ em, ngày uống 2-10 viên tùy theo tuổi chia làm 2 lần. Dùng ngoài, chữa bệnh đau mắt bằng dạng thuốc nhỏ mắt berberin chlorid 0,5 – 1%. Ở Liên Xô (trước đây), một số tác giả đã dùng berberin làm thuốc lợi mật, điều trị cho bệnh nhân viêm túi mật đạt kết quả tốt.

Theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Tập và các cộng sự ở Viện Dược liệu, vàng đắng ở nước ta chỉ có ở các tỉnh phía nam từ huyện Phú Lộc (Thừa ThiênHuế) trở vào đến huyện Châu Thành (Đồng Nai). Trong giới hạn này, đã thống kê được 140 xã, thị trấn thuộc 47 huyện của 16 tỉnh có vàng đắng.

Việt Nam vốn có nguồn vàng đắng tương đối dồi dào. Tuy nhiên, vào những năm 1980-1995, cây đã bị khai thác nhiều. Mỗi năm, ở các tỉnh phía nam đã có vài trăm đến vài ngàn tấn nguyên liệu tươi được đưa vào sản xuất công nghiệp. Do khai thác ồ ạt và liên tục nên nguồn cây thuốc này ở Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng. Tất cả những vùng rừng có vàng đắng trước kia được coi là những trung tâm phân bố phong phú, như tiểu cao nguyên An Khê (tỉnh Gia Lai và Bình Định); Đắc Nông; Đắc Lắc và Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), nay không còn cây để khai thác lớn.

Cây vàng đắng có đặc điểm cây mang hoa đực và hoa cái riêng. Tỷ lệ cây mang hoa cái trong quần thể chỉ chiếm 10 – 30%. Cây có hoa, quả trong tự nhiên thường không đồng đều và chỉ ở cây có đường kính từ 3cm trở lên. Hoa đực mọc từ thân già hay cành đã rụng lá. Hoa cái có trên thân già, cành đã rụng lá hay vẫn còn mang lá. Hoa thụ phấn nhờ côn trùng hoặc gió. Mùa quả chín từ tháng 9 đến tháng 11, cá biệt có cây quả chín tồn tại đến đầu mùa hoa năm sau. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Tuy nhiên, do quả chín vào mùa mưa, nên dễ bị nước lũ cuốn trôi. Trong đợt điều tra ở Trà My (Quảng Nam) năm 1983, trên diện tích khoảng 20ha rừng có nhiều vàng đắng, các nhà nghiên cứu đã tính trung bình ở nơi đất bằng phẳng có 56,5 cây con cao dưới 50cm mọc từ hạt trong một ha. Nơi đất dốc (10 – 20°) chỉ có 4,2 cây/ha. Vàng đắng có khả năng mọc chồi tự nhiên rải rác quanh năm, song tập trung vào hai vụ chồi chính là xuân – hè (đầu mùa mưa) từ tháng 3 đến tháng 5 và vụ hè – thu (cuối mùa mưa): tháng 7 – 9. Chồi sinh trưởng nhanh trong mùa mưa ẩm, nhưng ít khi phát triển trọn vẹn thành cành hoặc các nhánh leo.

Vàng đắng còn có khả năng tái sinh chồi từ phần gốc còn lại sau khi chặt. Khi nghiên cứu những cây bị chặt do khai thác vào tháng 5-1981, thấy có 60 – 70% số gốc tái sinh cây chồi. Trong 3-4 năm đầu, loại chồi này dài 2m/mỗi năm và có đường kính tăng trưởng 0,3 – 0,4 cm/ năm. Sau 10 – 12 năm, cây chồi đã có đường kính 2,8 – 3,2cm và leo cao đến trên 10m. Berberin trong thân cũng được tích lũy tăng dần theo tuổi, ở cây chồi 1 – 2 năm tuổi, hàm lượng hoạt chất là 0,3 – 0,4%, 10 -12 năm tuổi tăng lên 1,8 – 2,0%.

Với những dữ liệu đã nghiên cứu được về sự tái sinh và sinh trưởng phát triển kể trên, PGS, TS Nguyễn Tập đã đề xuất biện pháp khai thác vàng đắng nhằm bảo đảm tái sinh tự nhiên như sau:

– Mùa khai thác: tháng 11 – 4 là thời gian mùa khô dễ vận chuyển và trước khi cây có hoa quả.

– Tiêu chuẩn khai thác: cây có đường kính thân từ 3cm trở lên.

– Cách khai thác: chừa lại phần gốc từ 15 – 20cm để cây tái sinh chồi.

– Chu kỳ khai thác; 10-15 năm/lần. Trước mắt nên chừa lại toàn bộ cây mang hoa cái, để có quả gieo giống vào những năm sau.

Hy vọng những  biện pháp trên sẽ được lưu ý vận dụng để bảo tồn nguồn gene cây thuốc tại thành phố Đà Nẵng.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *