Thuốc nam phòng trị Sốt xuất huyết
16/11/2023
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, không để bệnh sốt xuất huyết lây lan bùng phát thành dịch, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong… Ngày 16/7/2019, UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản số 4486/UBND-SYT về việc triển khai thực hiện các biện pháp chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh sốt xuất huyết Dengue, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, chuyển tuyến kịp thời, điều trị đúng phác đồ, hạn chế trường hợp biến chứng nặng gây tử vong; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Chúng tôi xin tổng hợp một số thông tin chuyên đề phòng trị bệnh sốt xuất huyết bằng thảo dược của y học cổ truyền tại địa phương, trong nước và trên thế giới .
1. PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE BẰNG YHCT
Theo Y học cổ truyền, bệnh sốt xuất huyết (SXH) thuộc nhóm ôn bệnh và ôn dịch (ôn dịch vì có tính lây lan thành dịch). Qua thực tiễn đúc kết từ nhiều năm, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-BYT, ngày 29-4-2014 kèm theo tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue bằng y học cổ truyền”.
Theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị kèm theo quyết định (vẫn còn hiệu lực) này, điều trị SXH bằng thuốc y học cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh SXH độ I (người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết) và độ II (người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, thậm chí nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài).
Phương pháp điều trị theo YHCT: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng.
Nguyên tắc điều trị chung: Uống thuốc cổ truyền kết hợp nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu.
Dưới đây xin trích giới thiệu các bài thuốc nam được Bộ Y tế công nhận có tác dụng điều trị SXH ở độ I và độ II .
* Bài thuốc 1: Lá cúc tần 12g (tác dụng hạ sốt); Cỏ mực 16g (cầm máu); Mã đề 16g (lợi tiểu); Trắc bá diệp (sao đen) 16g (cầm máu); Sắn dây 20g (thanh nhiệt); Rau má 16g (nhuận gan, thanh nhiệt); Lá tre 16g (hạ sốt, thanh nhiệt); Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị).
Nếu không có Sắn dây thì thay bằng Lá dâu 16g; Nếu không có Trắc bá diệp thì bằng Lá sen sao đen 12g hoặc Kinh giới sao đen 12g.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
* Bài thuốc 2: Cỏ mực (sao vàng) 20g (chỉ huyết, nhuận huyết); Cối xay (sao vàng) 12g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc); Rễ cỏ tranh 20g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc); Sài đất 20g (thanh nhiệt, giải độc); Kim ngân 12g (thanh nhiệt, giải độc); Hạ khô thảo (sao qua) 12g (lợi tiểu, hoạt huyết, thanh can hỏa); Hoa hòe 10g (bền thành mạch); Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị).
Nếu không có Hạ khô thảo thì thay bằng Bồ công anh 12g.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
* Bài thuốc 3: Cỏ mực 20g; Cam thảo 6g; Hoạt thạch 12g (lợi tiểu, hạ sốt); Mã đề 16g (lợi tiểu, hạ sốt); Gừng tươi 3 lát.
Nếu không có Hoạt thạch thì thay bằng Cối xay 12g. Nếu không có Mã đề thì thay bằng Lá tre 16g.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần. Nếu hết sốt thì ngừng thuốc ngay.
Các bài thuốc trên có thể điều trị cho trẻ em với liều dùng như sau:
– Trẻ em từ 1 – 5 tuổi: liều bằng 1/3 người lớn.
– Trẻ em từ 6 – 13 tuổi: liều bằng 1/2 người lớn.
– Trẻ em từ 14 tuổi trở lên: liều bằng liều người lớn.
– Trẻ còn bú mẹ: cho mẹ uống thuốc, qua sữa điều trị cho con.
Dùng bài thuốc số 2 sắc uống trong suốt vụ dịch, uống thay nước uống hằng ngày để phòng chống dịch trong vùng có dịch SXH lưu hành.
Lưu ý: Sốt xuất huyết độ III, độ IV (bệnh nhân có biểu hiện trụy mạch, sốc và sốc nặng) thì không được điều trị bằng YHCT. Những trường hợp này nhất thiết phải điều trị bằng Y học hiện đại. Có thể sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền để điều trị phối hợp. Ngoài ra bệnh nhân SXH đang có sốt cao không được dùng Nhân sâm và các chế phẩm có Nhân sâm.
2. PHỔ BIẾN KINH NGHIỆM CHỮA SỐT XUẤT HUYẾT CỦA HỘI Y HỌC CỔ TRUYỀN DÂN TỘC QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG
Để phát huy vai trò của y dược cổ truyền trong phòng trị sốt xuất huyết (SXH), Tỉnh hội Y học dân tộc (nay là Hội Đông y) Quảng Nam-Đà Nẵng cách đây ba mươi sáu năm đã có một cách làm hay, bài học về cách làm này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Trong đợt dịch SXH có gần 5.000 ca trong tỉnh vào năm 1983, Tỉnh hội YHDT QN-ĐN đã huy động toàn thể hội viên sát cánh cùng ngành y tế tham gia chống dịch. Sau đó, được sự hỗ trợ của Sở Y tế, Tỉnh hội YHDT đã tổ chức một cuộc tọa đàm về đề tài SXH để thu thập các báo cáo kinh nghiệm của trên 50 hội viên, từ đó Ban Y lý của Tỉnh hội đã chỉnh lý biên soạn thành tài liệu “Y học cổ truyền dân tộc chữa bệnh SXH” phổ biến đến các cán bộ thuốc nam – châm cứu, lương y trẻ đang công tác tại các phòng chẩn trị, các Trạm y tế xã phường để học tập ứng dụng.
Tài liệu biên soạn gồm 3 phần: Hiểu biết tóm tắt về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh SXH theo Tây y; Lý luận cơ bản của YHDT về SXH; Giới thiệu các phương kinh nghiệm của các lương y trong tỉnh. Ngoài ra còn có phụ lục giới thiệu sơ lược tánh dược của các vị thuốc nam chữa SXH.
Dưới đây là 3 phương thuốc kinh nghiệm do Ban Y lý Tỉnh hội YHDT QN-ĐN chọn giới thiệu trong tài liệu này, đã từng sử dụng có kết quả ở một số phòng chẩn trị, với những dược liệu thuốc nam tương đối dễ kiếm.
Phương 1: Thanh nhiệt giải biểu.
Sử dụng cho giai đoạn I, bệnh còn ở phần Vệ và phần Khí (sốt cao đột ngột liên tục trong 5-7 ngày, đau mỏi khắp mình, cơ bắp và xương khớp, đau đầu, khát nước, ra mồ hôi nhiều hoặc ít, tiểu vàng, mạch phù sác hoặc hồng đại- sác, rêu lưỡi vàng dày, dính, kém ăn, có thể buồn nôn nhẹ, đại tiện táo).
Bài thuốc: Sắn dây 12g, Đọt tre tươi 10g, Thiên hoa phấn 8g, Cây và bông mã đề (sao) 10g, Đậu ván trắng 12g, Rễ tranh tươi 20g, Mạch môn 12g.
Cách sắc: Đổ 3 chén sắc nước còn 1 chén, chia 2 lần uống trong ngày. Trẻ em tùy tuổi giảm bớt.
Phương 2: Thanh nhiệt lương huyết.
Sử dụng cho giai đoạn II, đã có xuất huyết, sốt cao, nhưng tình trạng không nguy kịch, chưa có biến chứng (bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có thể rối loạn tiêu hóa nhẹ).
Bài thuốc: Trắc bá diệp 12g, Lá tre non 20g, Rễ tranh 20g, Lá khế 12g, Rau má 20g, Lá sen non 12g, Mã đề (cả lá, bông) 16g.
Cách sắc: Đổ 3 chén sắc nước còn 1 chén, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liên tiếp 4-5 ngày. Trẻ em tùy tuổi giảm bớt.
Phương 3: Thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.
Trị như phương 2, dùng dạng thuốc bột cho tiện.
Bài thuốc: Sinh địa 8g, Bạch thược 8g, Đương quy 8g, Tri mẫu 4g, Xuyên khung 2g, Huyền sâm 4g, Sài hồ 6g, Đơn bì 4g, Hắc chi tử 4g, Thạch cao 4g, Thạch hộc 3g, Hoa hòe sao đen 4g, Kinh giới sao đen 4g, Trắc bá diệp sao đen 4g, Cỏ mực 8g, Huỳnh liên 3g (nếu bệnh hết sốt không dùng).
Cách chế: Liều trên tán bột, chia làm 8 gói, bảo quản trong túi ni-lông 2 lớp, trẻ em mỗi lần uống 1/4 gói, người lớn 1/2 gói, ngày uống 2-3 lần. Không ăn chất cay nóng.
Tài liệu còn khuyến cáo: các tổ chẩn trị xã, các phòng chẩn trị huyện và cửa hàng thuốc các thị, thành phố cần chuẩn bị trước một số lượng dược liệu để có thể kịp thời phục vụ chống dịch, chuẩn bị để nhanh chóng bán dưới dạng thuốc thang, thuốc chế đóng gói sẵn, hoặc cần dưới dạng thuốc bột (tán). Trong số dược liệu, trọng dụng các vị thuốc địa phương nào cũng sẵn có, dễ thu mua như: lá sen tươi, cỏ mực, rễ tranh, cây mã đề, lá khế, củ sắn dây, lá trắc bá, rau má, lá tre, v.v… có tác dụng hạ nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chống xuất huyết rất tốt, không nên xem nhẹ!
Tất nhiên, tài liệu này cũng không quên lưu ý, đối với các trường hợp SXH nặng như trụy mạch, toát mồ hôi lạnh, mê man choáng váng, xuất huyết nhiều… cần gửi ngay đến bệnh viện để kết hợp y học hiện đại cấp cứu kịp thời.
Phương 4: Thuốc xông Hương trừ muỗi:
Đặc biệt, trong tài liệu này còn giới thiệu bài thuốc Hương trừ muỗi (để phòng SXH) khá độc đáo trong phần báo cáo kinh nghiệm của L.Y Trần Hữu Nam, nguyên Chủ tịch Hội YHDT huyện Điện Bàn (hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Đà Nẵng). Nguyên văn bài thuốc ghi bằng thơ chữ Hán:
Lục nguyệt, Tàm sa, Dạ minh sa,
Phù bình cánh hiệp Khổ luyện hoa
Mỗi đáo hoàng hôn khu nhất chú
Văn trùng tử tán biệt nhân gia .
Tạm dịch là:
Tháng Sáu, Phân tằm, Phân dơi,
Bông sầu đông với Bèo phơi hiệp đồng
Làm hương chạng vạng đốt xông
Muỗi gần thì chết, xa không vào nhà.
Bài thuốc trên đây, chúng tôi chưa tầm nguyên xuất xứ, nhưng cần nói thêm trong sách Thuốc hay tay đảm của Nguyễn Văn Bách (Nxb Phụ Nữ in lần thứ 8, 1995) cũng có xác nhận tác dụng trừ muỗi của bèo: “Nhà nhiều muỗi nên lấy bèo khô cho vào hun khói lúc chiều tà, muỗi sẽ sợ và bay ra ngoài”.
III. KINH NGHIỆM VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NƯỚC NGOÀI
Trong quá trình đối phó với dịch sốt xuất huyết (SXH), kinh nghiệm dân gian đã cho thấy một số loại thảo dược, dễ tìm có tác dụng hạ sốt và chữa SXH. Trường hợp bí đao và lá đu đủ dưới đây là một ví dụ.
1.Bí đao chữa sốt xuất huyết:
Bí đao còn gọi là bí xanh hay đông qua. Bí đao là 1 loại quả thông dụng thường được trồng làm rau, nấu canh hoặc chế biến mứt. Mỗi 100g bí đao có chứa khoảng 0,4g protid, 2,4g glucid, 19mg canxi, 12mg photpho, 0,3mg sắt và nhiều loại sinh tố như caroten, B1, B2, B3, C.
Theo y học cổ truyền, bí đao vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt hóa đàm (giải nhiệt và làm tan đờm), trừ phiền chỉ khát (làm mát ruột và hết khát), lợi niệu tiêu thũng (lợi tiểu, làm hết phù), giải độc. Bí đao thường được dùng trong các trường hợp đờm nhiệt, phiền khát, thuỷ thũng, mụn nhọt, béo phì. Do tác dụng thanh nhiệt trừ phiền chỉ khát, bí đao là 1 món ăn có giá trị rất tốt trong phòng chống bệnh tật trong điều kiện nóng bức của mùa hè. Đặc biệt, kinh nghiệm dân gian một số nơi trên thế giới cũng dùng bí đao để chữa ho ra máu, xuất huyết nội tạng[1]. Gần đây, nhiều người cũng đã sử dụng khá hiệu quả bí đao trong điều trị SXH, nhất là khi bệnh còn ở giai đoạn 1 và 2.
Cách dùng: Bí đao xanh từ 3 đến 5 quả cỡ trung bình từ 300 đến 500g. Nướng và lăn đều mỗi lần 1 quả bí trên lửa than sao cho phần vỏ ngoài cháy thành than. Ép cả quả bí nướng bao gồm cả phần cháy đen. Chắt lấy nước cốt. Cho người bệnh uống nước ép bí đao. Trung bình mỗi 2 giờ có thể uống 1 lần. Thông thường, bệnh nhân bắt đầu hạ sốt từ 30 đến 60 phút sau khi uống lần đầu.
2.Từ kinh nghiệm dùng lá đu đủ của bác sĩ ở Ấn Độ
Sốt xuất huyết là 1 loại bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi dengue gây ra. Bệnh chưa có thuốc đặc trị. Cho đến nay, cách chữa chủ yếu vẫn là hạ sốt, giảm đau, bù nước. Trong những năm gần đây, trên mạng có nhiều bài viết và cả những phản hồi cho biết nước cốt lá đu đủ đã chữa khỏi sốt xuất huyết. Những bài nầy xuất phát từ kinh nghiệm của Bác sĩ Shumedha Bajaj, thuộc Bệnh viện Bombay, Ấn Độ.
Ông Bajaj đã dẫn chứng 1 bệnh nhân 32 tuổi bị SXH nhập viện đã 3 ngày, sốt không giảm, phổi có dấu hiệu có nước, người bệnh bắt đầu khó thở, lượng tiểu huyết cầu giảm xuống còn 28.000, tình trạng hầu như đã tuyệt vọng. Tuy nhiên, khi cho uống nước cốt lá đu đủ, sốt bắt đầu hạ, tiểu cầu từ từ tăng lên. Sau 3 ngày, bệnh nhân đã hồi phục. (Số lượng tiểu cầu bình thường là 150.000-400.000 tiểu cầu/mm³ máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, cầm máu. Khi số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm³ thì nguy cơ xuất huyết tăng lên).
Cách dùng: Dùng lá tươi, rửa sạch, bỏ cọng, giã nát, lọc lấy nước uống. Dịch tươi có vị đắng, khó uống nên có thể pha với 1 chút mật ong hoặc đường. Mỗi lần dùng khoảng 20ml. Ngày 2 hoặc 3 lần.
Được biết, lá đu đủ là 1 nguồn thảo dược có nhiều chất chống oxy hoá và những loại enzym tự nhiên hữu ích cho sức khoẻ con người. Trong ẩm thực, nhiều bà nội trợ vẫn dùng lá đu đủ để ướp hoặc gói những loại thịt khi nấu để giúp thịt mau mềm, mau chín. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho biết nhiều chất chống oxy hoá khác nhau có tác dụng kháng viêm và tăng sức miễn dịch. Đặc biệt, trong nổ lực ngăn chận dịch cúm A/H1N1 đang phát triển, các nhà khoa học trường Đại học Alabama cũng cho rằng những chất chống oxy hoá cũng có thể là chìa khoá quan trọng trong việc bảo vệ phổi khỏi sự huỷ hoại của virus cúm. Nói chung, khi không có thuốc đặc trị thì yêu cầu kháng viêm và tăng sức miễn dịch có tính cách quyết định trong việc chữa bệnh. Do đó, nhiều trường hợp SXH đã hạ sốt, tăng tiểu cầu và khỏi bệnh do uống nước cốt lá đu đủ không hẳn là không có cơ sở.
3. Đến nghiên cứu khoa học ở Sri Lanka
Một nghiên cứu khoa học ở Sri Lanka đã xác định tác dụng chữa SXH của lá đu đủ tươi qua cơ chế tăng số lượng tiểu cầu và cải thiện chức năng gan.
Sốt xuất huyết (SXH) là loại bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue. Muỗi Aedes Aegypti, thường gọi là muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. SXH là loại bệnh dịch phổ biến ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 50 triệu người bị nhiễm SXH. Nhiều người trong số nầy đã không qua khỏi. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccin chủng ngừa đối với SXH.
Từ lâu, y học dân gian nhiều nơi đã có kinh nghiệm dùng lá đu đủ để chữa SXH. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên một nghiên cứu chính thức đã xác định tác dụng nầy.
Theo tin của hãng thông tấn quốc gia Sri Lanka được phổ biến ngày 17.7.2010, dịch chiết lá đu đủ đang được xem là liệu pháp chính thức chữa trị bệnh SXH hiện lan tràn rất nhanh tại đảo quốc nầy.
Nghiên cứu khoa học[i] về tác dụng của lá đu đủ tươi đối với SXH đã được thực hiện trên 70 bệnh nhân SXH bao gồm khoảng 15 trẻ em. Kết quả cho biết liều dùng 10ml dịch chiết lá đu đủ tươi mỗi người mỗi ngày đã chữa khỏi hoàn toàn cho số bệnh nhân nầy. Những người nầy cũng được theo dõi vài tháng sau đó và được xác định là không có phản ứng phụ.
Theo Bác sĩ Sanath Hettige, người hướng dẫn cuộc thí nghiệm, những nghiên cứu y khoa thông thường chỉ cho kết quả khoảng 50% trong khi cuộc thí nghiệm về liệu pháp truyền thống dùng lá đu đủ chữa SXH nầy đã đạt kết quả đến 100%.
Loại lá sử dụng trong cuộc thử nghiệm là loại lá tươi từ những cây đu đủ đã trưởng thành và đang ra quả. Lá được rửa sạch, giã nát trong 1 cối và chày bằng gỗ, không cho thêm nước hoặc muối. Sau khi giã, dịch chiết được chắt ra và sử dụng 1 lần không thêm nước, muối hoặc đường. Người lớn dùng mỗi lần 10ml, ngày 2 lần. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi dùng liều 5ml mỗi lần. Ông Hettige cũng khuyên người đã xác định nhiễm SXH nên dùng dịch lá đu đủ kèm với các loại thuốc theo đơn.
Về cơ chế tác dụng, ông Hettige cho rằng dịch chiết lá đu đủ làm tăng số lượng bạch huyết cầu và tiểu cầu, ngăn chận nguy cơ xuất huyết do lượng tiểu cầu xuống thấp. Số lượng tiểu cầu bình thường là 150.000-400.000 tiểu cầu/mm³ máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, cầm máu. Khi số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm³ máu thì nguy cơ xuất huyết tăng lên. Quan trọng hơn, những hoạt chất trong lá đu đủ còn có khả năng cải thiện và phục hồi chức năng gan đã bị suy sụp.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nên dùng lá đu đủ trước khi bệnh SXH lên đến đỉnh điểm. Vì ở giai đoạn cuối khi các nội tạng đã bị tổn thương nhiều việc phục hồi sẽ khó khăn hơn.
PHAN CÔNG TUẤN tổng hợp
[i] Papaya leaves normalizes blood phlatelet in dengue patients. http://www.lankapuvath.lk
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 15
- Tất cả: 38099