Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Ráy leo làm thuốc

23/12/2023

Nhờ đối chiếu hình ảnh trong “Thực vật chí Trung quốc” mà gần đây tôi mới phát hiện tấm ảnh chụp một cây ráy leo có cuống hoa dài bằng chiều dài chiếc lá trên rừng Bà Nà – Núi Chúa là một cây quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam, đó là cây Ráy leo Kerr hay Cơm lênh nhỏ – Pothos kerrii.

Ráy leo Kerr (cuống hoa dài gần bằng lá) tại Bà Nà, là cây thuốc có trong Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh: P.C.T

Ráy leo – Pothos L. là một chi thuộc họ Ráy – Araceae có các dạng sống tương đối đặc biệt. Trên thế giới có khoảng 75 loài, ở Việt Nam có 13 loài. Trong Danh lục cây thuốc thành phố Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã ghi nhận được 3 loài làm thuốc: Ráy leo tàu – P. chinensis; Ráy leo (Ráy bò) – P. repens; Ráy leo Kerr (Cơm lênh nhỏ) – P. kerrii.

Nói chung tính năng làm thuốc các loài ráy leo nói trên khá tương đồng.

Bài này đơn cử giới thiệu một cây khá phổ biến là Ráy leo tàu, còn gọi Cơm lênh tàu, Chân rết lá to, Thạch cam tử (石柑子), Thạch bồ đằng (石蒲藤), Thạch hồ lô (石葫芦). Tên khoa học là Pothos chinensis  (Raf.) Merr  (tên đồng nghĩa Tapanava chinensis Raf.; P. yunnanensis Engl.).

Đây là cây thảo leo, dài đến 15m; nhánh vuông, lóng dài 2-3cm. Lá có phiến thon, mỏng, dài 9-14cm, cuống dài 1-3,5cm; nói chung cuống lá nhỏ hơn và phiến lá lớn hơn nhiều so với các loài khác. Cụm hoa ở nách lá, trần, rất ngắn; vẩy 5-6; bông mo hình cầu to cỡ 1cm, sau dài đến 1,6cm; mo xoan nhọn. Quả mọng tròn dài, to 1cm. Ra hoa tháng 2. Trong Đông y, thường  dùng toàn cây làm thuốc gọi là Thạch cam tử.

Loài này phân bố ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta, cây sống ở các rừng ẩm và rừng thứ sinh, có khi mọc bám trên những tảng đá trong rừng từ Lai Châu, Lào Cai, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Tây, Nam Hà qua Thanh Hóa, Quảng Trị tới Kon Tum, Khánh Hòa.

Tại Đà Nẵng, Ráy leo tàu có phân bố ở khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và rừng đặc dụng nam Hải Vân.

Theo Trung dược đại từ điển, Ráy leo tàu tính hơi ấm, vị đắng cay, không độc; có công năng hành khí, giảm đau, trừ phong thấp; chủ trị đau do khí không thông vùng ngực (tâm vị khí thống), bụng dưới (sán khí), hai chân (cước khí), đau xương khớp do phong thấp (phong thấp cốt thống).

Theo Toàn quốc Trung thảo dược vựng biên, Ráy leo tàu có vị nhạt, tính bình; công năng khu phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ, tiêu tích, giảm ho; chủ trị đòn ngã tổn thương, bệnh huyết hấp trùng (Schistosomiasis – bệnh sán máng) giai đoạn muộn làm lách và gan sưng to, viêm khớp dạng thấp, trẻ em suy dinh dưỡng (cam tích), ho khạc; dùng ngoài bó trị gãy xương, viêm tai giữa, viêm xoang mũi. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.

Theo Trung hoa bản thảo, ráy leo tàu có vị đắng, tính bình, có độc ít, ngoài tính năng như nói trên còn có thêm tác dụng giải độc. Trong dân gian thường dùng thân lá làm thuốc trị phù thũng và ngộ độc nước.

Ðơn thuốc:

1. Đòn ngã tích tụ lâu ngày, viêm tủy xương, viêm khớp: Ráy leo tàu 30-60g, sắc nước thêm rượu uống, ngoài dùng bột ráy leo tàu khuấy với  giấm gạo, phết hay đắp lên chỗ khớp đau.

2. Co rút gân cơ sau khi bị đòn ngã: Ráy leo tàu 30g (loại tươi dùng gấp đôi), hầm với giò heo mà ăn.

3. Viêm khớp dạng thấp (sưng đau, không nóng, không đỏ): Ráy leo tàu, Dây kim ngân, rau muống biển, mỗi thứ 15-30g, sắc nước pha thêm rượu uống.

4. Trẻ em cam tích, ăn uống không tiêu: Ráy leo tàu 10g, chưng với gan heo ăn, hoặc sắc nước thuốc.

5. Viêm tai giữa, viêm xoang mũi: Ráy leo tàu loại tươi, giã vắt nước nhỏ vào tai hay mũi.

6. Nhọt độc  các loại: Ráy leo tàu giã nhuyễn đắp lên nhọt.

7. Gan lách sưng to do nhiễm sán máng giai đoạn muộn: Ráy leo tàu 30g, sắc uống ngày 1 thang, liệu trình 10 ngày.

Chú ý: Phụ nữ có thai kỵ dùng các loài ráy leo.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
Các tin khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *