Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Rau muống biển

10/12/2023

“Dị ứng do sứa/ Mẩn ngứa đầy người/ Thuốc chữa đây rồi/ Lá rau muống biển/ Đem giã thật nhuyễn/ Vắt nước thoa liền/ Kinh nghiệm cổ truyền/ Rất là thần hiệu!”. Đó là một kinh nghiệm tâm đắc mà chúng tôi đã từng ứng dụng và phổ biến bằng bài vè nói trên. Tuy nhiên, có thể nhiều người chưa biết loài cây thường mọc hoang trên các bãi cát ven biển và có hoa khá đẹp này còn có các công dụng chữa bệnh khác.

“Muống biển trừ thấp tiêu viêm/ Khớp đau, sứa cắn nhớ tìm dùng ngay”. Ảnh: P.C.T.

Rau muống biển hay Muống biển, tên chữ Hán gọi là Nhị diệp hồng thự (二叶红), Mã an đằng (马鞍藤)…; tên khoa học là Ipomoea pes-caprae (L.) Sweet, thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam,  Rau muống biển là loài cây thảo mọc bò dài, không cuống, có thân dày, phân nhánh, hầu như có rãnh, nhẵn, thường đo đỏ, ngọn hướng lên, toàn cây có nhựa mủ. Lá hầu như tròn hơi vuông, hình tim sâu ở gốc, tròn hay lõm ở đầu, dài 4-6cm, rộng 5-7cm, nhẵn cả 2 mặt; cuống lá dài 5-7cm, dày về phía gốc, rải rác có nhiều u, mang hai tuyến đối nhau ở đầu. Hoa to, màu hồng, thành xim ít hoa ở nách lá, với một cuống chung dài 2-4cm. Quả nang hình cầu, đường kính 2cm. Hạt 4, đường kính 7mm, đẹp, màu hung.

Rau muống biển có phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, cây mọc hoang nhiều ở bãi cát ven biển, có tác dụng cố định cát và chống xói lở. Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô làm thuốc. Nhân dân ta thường dùng Rau muống biển làm thức ăn cho thỏ, dê, ngựa, chuột lang.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy cây chứa nhựa 7,27%, tinh dầu 0,048% và các chất pentatriacontane, triacontane, sterol, acid behenic, acid melissic, acid butyric và acid myristic. Rễ chứa alcaloid.

Theo Đông y, Rau muống biển có vị cay, đắng, tính hơi lạnh (có tài liệu nói tính bình hoặc ấm); vào 2 kinh can và tỳ; có tác dụng trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết (có tài liệu nói thêm tác dụng giải độc, ích khí). Dùng chữa phong thấp đau nhức, đau thắt lưng, mụn nhọt sưng đau, viêm da lở loét, bệnh trĩ xuất huyết… Kinh nghiệm dân gian chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, thông tiểu tiện, chữa thủy thũng, đau bụng.

Liều dùng thuốc sắc uống trong 30-60g tươi (hoặc 10-20g khô).

Lá tươi giã nát dùng đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ và cũng dùng trị rắn cắn, có thể phơi khô tán nhỏ rắc lên những nơi bị bỏng.

Ở Ấn Độ, lá được dùng đắp ngoài trị tê thấp và đau bụng, dịch lá dùng trị bệnh phù và đồng thời dùng lá giã nát đắp vào những phần bị phù.

Ở Thái Lan, lá được dùng ngoài để trị chất độc của thịt sứa. Cũng dùng giã nát lấy nước xoa bôi khi bị dị ứng nọc độc sứa khi tắm biển.

Nghiên cứu dược lý chứng minh cao chiết rau muống biển có tác dụng chống viêm, đối kháng trung hòa nọc độc sứa, làm tăng khả năng dung nạp glucose.

Ðơn thuốc:

1. Tê thấp, phù thũng: Rễ và dây rau muống biển, mỗi thứ 30g, sắc nước uống.

2. Viêm khớp sưng đau: Muống biển 50g, dùng nửa nước nửa rượu sắc chia 2 lần uống.

3. Viêm đa khớp dạng thấp: Rễ rau muống biển, Cỏ xước đều 30g, sắc uống.

4. Mụn nhọt và viêm mủ da: Rau muống biển 30-60g, sắc nước thêm đường đỏ uống. Bên ngoài dùng lá tươi giã nát đắp vào chỗ đau.

5. Bối ung (nhọt độc mọc ở lưng): Dùng lá rau muống biển tươi, lượng thích hợp, giã nát đắp.

6. Thấp chẩn (chàm lở): Rễ rau muống biển 30g sắc nước uống, đồng thời sắc lá tươi ngâm rửa.

7. Trĩ xuất huyết: Rau muống biển 30g, nấu với ruột già heo 300g, chia 2 lần ăn trong ngày; liên tục 10 ngày (một liệu trình).

8. Nhức răng do phong hỏa: Rau muống biển và Rễ dành dành đều 15g, Rễ sậy 30g. Sắc uống.

9. Bệnh giun chỉ bạch huyết (phù chân voi): Rễ rau muống biển, Rễ sung thiên tiên (Mao thiên tiên quả), Rễ rung rúc (Lão thử nhĩ) đều 30g. Sắc uống.

10. Khí hư bạch đới: Rau muống biển 30g, Rễ ý dĩ 15g. Sắc uống.

Lưu ý: Không dùng rau muống biển cho phụ nữ có thai.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *