MUỒNG TRUỔNG và nghiệm phương Muồng truổng ký sinh thang
05/04/2024
Bà lang Phú, thân mẫu của sư chị Chúc Hiền là nhà “tài trợ chính” cho quầy thuốc nam của Tuệ Tĩnh Đường chùa Lộc Quang (Hòa Sơn, Đà Nẵng). Tại phòng thuốc từ thiện này, lần đầu tôi tiếp xúc vị thuốc trị phong thấp nhức mỏi được bà Phú ghi tên là Buồn chún. Mặc dù được sư em Chúc Hải dẫn chỉ tận nơi một cây non tái sinh (chưa ra hoa) ngoài bìa vườn chùa và nói thêm người địa phương còn gọi là Muồng tún, nhưng tôi vẫn chưa thật sự yên tâm. Cùng vài đồng nghiệp tìm đến nhà bà lang Phú ở thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam (cách Đà Nẵng khoảng 80 km), tận mắt thấy một cây cao khoảng 10m đang kỳ ra hoa, tôi mới xác định được chính xác đây là cây Muồng truổng đã được GS.Đỗ Tất Lợi, TS.Võ Văn Chi, và nhiều tác giả ở Viện Dược Liệu đã mô tả và giới thiệu trong các sách thuốc Việt Nam. Lần theo tên chữ Hán đính kèm trong sách của GS.Đỗ Tất Lợi, tra cứu trên mạng tiếng Hoa, tôi được biết thêm cây thuốc này có tên Lặc đảng (勒欓) trong sách Toàn quốc Trung thảo dược hối biên và tên Ưng bất bạc (鹰不泊) trong Trung dược đại từ điển. Dưới đây là thu hoạch tổng hợp của chúng tôi bước đầu tìm hiểu ứng dụng cây thuốc này.
Mô tả : Muồng truổng (tên khác: Sẻn, Màn tàn, Sén lai, Buồn chuồn, Hoàng mộc dài – Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC. (Fagara avicennae Lam.), thuộc họ Cam – Rutaceae) là cây gỗ nhỏ cao đến 8m; thân có gai, vỏ màu vàng sáng; cành cũng mang nhiều gai thẳng đứng và ngắn. Lá kép lông chim lẻ có 3-11 đôi lá chét hình ngọn giáo, gốc lá chét, không cân, hai bên có góc, mép nguyên hay hơi có răng. Cụm hoa hình tán kép mọc ở ngọn các cành, dài hơn lá. Hoa màu trắng nhạt. Quả dài 4mm, chia 1-3 ô, có lớp trong không tách được với lớp ngoài; mỗi ô chứa mỗi hạt màu đen. Ra hoa vào mùa xuân hè, có quả vào mùa hè thu. Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, cây mọc ở vùng rừng núi nhiều nơi từ Hoà Bình, Lạng Sơn tới Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam – Ðà Nẵng. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng. Thu hái lá quanh năm, dùng tươi. Quả thu hoạch vào mùa thu đông, phơi khô dùng. (Xin nói thêm, mặc dù mô tả như trên, nhưng Từ điển cây thuốc VN in năm 1997 lại minh họa ảnh số 423 trông cây thuốc như có hoa màu đỏ, khiến chúng tôi rất bối rối, nhưng qua tra cứu tôi cho rằng có lẽ đã có sự nhầm lẫn trong khâu in ấn, mong TS. Võ Văn Chi xác định lại giúp!- PCT).
Công năng, chủ trị, liều dùng:
Theo GS. Đỗ Tất Lợi: Muồng truổng là một vị thuốc nằm trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân. Người ta thường lấy rễ về sao vàng sắc đặc mà uống để chữa mẩn ngứa, lở loét, chảy nước. Mỗi ngày uống 6-12g rễ khô. Dùng ngoài không kể liều lượng để nấu nước tắm khi bị mẩn ngứa, lở loét, ghẻ. Một số nơi dùng lá nấu ăn.
Theo TS.Võ Văn Chi, Muồng truổng có vị đắng, cay, tính hơi ấm; có tác dụng khư phong lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống, hành khí, lợi thuỷ. Nhân dân thường lấy lá về nấu ăn, lấy rễ hoặc vỏ thân, vỏ rễ chữa mẩn ngứa, lở loét, ghẻ. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ chữa viêm gan hoặc hoàng đản, viêm thận thuỷ thũng, phong thấp đau nhức gân cốt, đòn ngã ứ đau. Quả dùng trị đau dạ dày, đau bụng. Lá dùng trị đòn ngã tổn thương, đau thắt lưng, viêm tuyến vú, nhọt, và viêm mủ da. Liều dùng rễ 30-60g, quả 3-6g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy lá giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa chỗ mẩn ngứa, ghẻ lở.
Theo Toàn quốc Trung thảo dược hối biên, Muồng truổng (Lặc đảng) vị đắng, cay, hơi ấm; công năng khư phong lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống; rễ trị viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, viêm khớp dạng thấp; quả trị đau dạ dày, đau bụng; lá (giã đắp) trị trật đả tổn thương, cơ lưng tổn thương vì làm nặng, viêm tuyến vú, đinh nhọt.
Theo Trung dược đại từ điển, Muồng truổng (Ưng bất bạc) có vị cay tính ấm, công năng khu phong, hóa thấp, tiêu thũng, thông lạc; chủ trị yết hầu sưng đau, phù thũng vàng da, sốt rét, đau xương khớp phong thấp, đòn ngã chấn thương. Công năng chủ trị theo một số tài liệu TQ:
– Bản thảo cầu nguyên: Điều lý đàm hỏa, đàm do rượu, khai thông yết hầu sưng đau. Ngâm rượu khu phong, chữa trật đả chiết thương.
– Lĩnh nam thái dược lục: Khu phong, trị hoàng thũng (phù toàn thân, da vàng sạm), lại trị chứng thương hàn, hoàng thực (vàng da nhưng mắt không vàng, kèm phù mặt phù chân, mỏi mệt, thích ăn lá chè, gạo sống, đất vách,… nguyên do dinh dưỡng kém, giun móc…).
–Sinh thảo dược thủ sách: Trị trẻ em bệnh “bách tử đàm” (biểu hiện: bụng căng, bụng nổi gân xanh, tiểu ít, chán ăn).
–Lĩnh nam thảo dược chí: Hóa thấp, khu phong, tiêu thũng, chữa vàng da, cổ trướng, sốt rét.
Ðơn thuốc có Muồng truổng theo sách báo:
- Viêm gan mạn tính (viêm gan vàng da):
– Rễ Muồng truổng (khô) 30-60g sắc uống (Theo Thường dụng Trung thảo dược thủ sách – Bộ đội Quảng Châu, TQ).
– Rễ Muồng truổng, Cỏ ban, Nhân trần cao, Bòi ngòi bò, mỗi vị 15g, sắc nước uống (Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi và Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Nhiều tác giả, Viện Dược Liệu).
– Rễ Muồng truỗng 50g, Cây chó đẻ 30g, Cây ráy gai 30g, Cỏ nhọ nồi 20g, Rau má 20g, Nhân trần 20g. Sắc uống. (Theo BS.Huỳnh Ngọc Tựng, Thuốc & Sức khỏe, số 263, tr.15, bài này còn chữa xơ gan).
- Chữa phong thấp, nhức xương, đòn ngã sưng ứ máu:
– Rễ Muồng truổng 30-60g, sắc uống. (Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam và Thường dụng Trung thảo dược thủ sách).
– Vỏ thân Muồng truổng (cạo bỏ lớp bẩn bên ngoài, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô) 20g, Hy thiêm 20g, Phấn phòng kỷ 20g, Mộc thông 20g, Thổ phục linh 20g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày (Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam).
- Chữa đau nhức răng: Rễ Muồng truổng, tách lấy vỏ rễ, rửa sạch, nhai, ngậm vào chỗ răng đau. Nếu có nước bọt ra nhiều nhổ đi. Cuối cùng, nhổ cả nước lẫn bã, không nuốt. Có thể lấy vỏ rễ băm nhỏ rồi ngâm với rượu từ 3 ngày trở lên, khi đau răng ngậm rượu, rồi nhổ đi (Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam).
- Chữa mẩn ngứa, ghẻ lở, lở sơn, dị ứng: lá Muồng truổng tươi rửa sạch 20g, Lá khế tươi 20g, giã nát, gói vào vải sạch, đắp. Có thể kết hợp uống nước sắc vỏ cây Núc nác 16g. Cũng có thể dùng riêng lá hoặc vỏ thân Muồng truổng nấu nước tắm rửa. (Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam).
- Chữa viêm thận phù thũng:
– Rễ Muồng truổng (khô) 30-60g, sắc uống (Theo Thường dụng Trung thảo dược thủ sách).
– Rễ Muồng truỗng 50g, Cam thảo đất 50g, Phục linh 20g, Ý dĩ 20g, Trạch tả 20g. Sắc uống. (Theo BS.Huỳnh Ngọc Tựng, Thuốc & Sức khỏe, số 263, tr.15).
- Trị chấn thương té ngã, đau lưng do lao tổn, đau khớp do phong thấp, sưng khớp: Rễ Muồng truổng, Rễ Tường vi quả nhỏ (tiểu quả Tường vi – Rosa cymosa Tratt.), mỗi thứ 50g, Rễ Sơn hoa tiêu (Zanthoxylum schinifolium) 25g. Ngâm 1 lít rượu ngon khoảng nửa tháng. Lần đầu uống liền 100ml, sau đó mỗi lần uống 50ml, mỗi ngày uống 2 lần, đồng thời dùng rượu đó xoa bóp ở ngoài.(Theo Y dược khoa kỹ tư liệu, (2): 17, 1972, Sở Nghiên cứu y dược Khu tự trị Quảng Tây).
- Rượu thuốc trị phong thấp: Thân và rễ Muồng truỗng 200g, Bạch chỉ 50g, Thiên niên kiện 50g, Dây đau xương 30g, Nhục quế 15g. Ngâm với 1 lít rượu, mỗi lần uống 30ml, ngày 2 lần. (Theo BS.Huỳnh Ngọc Tựng, Thuốc & Sức khỏe, số 263, tr.15).
Nghiệm phương mới: Muồng truổng ký sinh thang
Nghiệm phương này được cố ý đặt tên “nhái” theo cổ phương Độc hoạt ký sinh thang, để dễ nhớ đến công dụng khu phong trừ thấp, bổ can thận, chữa đau nhức, tê bại trong các chứng viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thần kinh tọa, đau vai gáy. Đây là nghiệm phương được chúng tôi đúc kết sau 3 tháng ứng dụng tại Tuệ Tĩnh Đường Hòa Nam, đã điều trị trên 100 bệnh nhân, mỗi đợt là 15 thang (phụ trị châm cứu 5 lần), kết quả khỏi và đỡ khoảng 75%. Xin lưu ý, theo kinh nghiệm dân gian, chúng tôi dùng toàn thân cây Muồng truổng (cả vỏ thân và lõi gỗ dát mỏng), chứ không chỉ dùng vỏ thân, vỏ rễ như sách thuốc đã viết ở trên.
Thành phần chính bài thuốc gồm 3 vị: Muồng truỗng 30g, Tang ký sinh (chùm gởi dâu) 20g, Cam thảo đất 12g.
Tùy triệu chứng, bộ vị bệnh, chọn gia thêm vài ba vị thuốc nữa, như:
–Đau chi trên gia Tang chi 20g, Quế chi 10g.
-Đau chi dưới gia Cỏ xước 16g, Mắc cỡ 16g.
-Đau thắt lưng, thần kinh tọa, gia Kê huyết đằng 16g, Cẩu tích 30g.
-Thấp trệ khớp sưng phù gia Ké hoa đào 20g, Lá lốt 12g.
Nghiệm phương này là một trong những hoa trái đầu mùa chúng tôi mới thu hái được tại Tuệ Tĩnh Đường Hòa Nam. Mong được chia sẻ với đồng nghiệp để cùng nghiên cứu ứng dụng và bổ túc thêm kinh nghiệm lâm sàng trong việc sử dụng các bài thuốc Nam có thể thay thế cổ phương thuốc Bắc.
PHAN CÔNG TUẤN
Ghi thêm: Sau khi bài viết trên đăng trên tạp chí Cây Thuốc Quý số 168, năm 2010, Từ điển Cây thuốc Việt Nam (bộ mới, 2 tập) in năm 2012 và đăng kèm ảnh cây Muồng truổng của tác giả bài này cung cấp.
Tám năm sau đó, vào năm 2018, TS Trần Đức Dũng đã công bố kết quả nghiên cứu tại Đài Loan trên mẫu Ưng bất bạc (tên khác của Muồng truổng) thu tại Nam Đàn Nghệ An và chứng minh được 4 nhóm tác dụng quan trọng của rễ Ưng bất bạc như : bảo vệ tổn thương tế bào gan do rượu và tân dược, kháng virus viêm gan B, hạ men gan và phục hồi các chức năng của gan, tác dụng diệt tế bào ung thư gan người HA22T của cao chiết Ưng bất bạc, thông qua cơ chế hoạt hóa protein PP2A, làm giảm sự phát triển của khối u, cao chiết Ưng bất bạc ức chế sự sản sinh ra tế bào ung thư HA22T và cao chiết Ưng bất bạc ức chế sự tăng sinh, khả năng xâm lấn và ức chế các tín hiệu di căn của tế bào HA22T thông qua hoạt hóa protein PP2A.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093