Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Lá vông hạ áp, an thần

17/12/2023

Đà Nẵng ngày trước có nhiều cây vông cổ thụ ở khu nhà máy đèn (góc đường Duy Tân – Trưng Nữ Vương) hay gần cây đa Đò Xu (chỗ cây xăng cuối đường 2 Tháng 9), mỗi độ đầu hè cây trút lá nở hoa đỏ rực một góc trời. Vừa rồi, trong thời gian điều tra cây thuốc, tôi mới chụp được tấm ảnh có vài cụm hoa vông lẻ loi ở khu Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

“Lá Vông hạ áp an thần/ Khu phong thông lạc vỏ thân nên dùng”.Ảnh: P.C.T

Vông có tên khoa học Erythrina variegata L., thuộc họ Ðậu – Fabaceae. Do lá thường được dùng gói nem nên cây còn mang tên Vông nem. Tiếng Hán gọi là Hải đồng (海桐) hay Thích đồng (刺桐).

Cây to cao tới 10m, vỏ xanh rồi nâu, có nhiều gai ngắn. Lá mọc so le, có 3 lá chét hình tam giác. Vào tháng 3-5, sau khi lá rụng, cây ra hoa. Chùm hoa dày gồm nhiều hoa màu đỏ chói. Quả đậu không lông, có eo giữa các hạt. Hạt hình thận, màu nâu.

Loài phân bố rộng từ Ðông Á tới châu Phi. Thường gặp trong các bụi dọc bờ biển, lân cận với các rừng ngập mặn và trong rừng thưa, có nhiều nơi ở nước ta. Cũng thường được trồng làm cây bóng mát dọc đường ở các khu dân cư.

Vông nem cho gỗ nhẹ, xốp, được làm phao lưới đánh cá. Hoa và hạt luộc qua dùng ăn được. Lá non xắt nhỏ, vò kỹ có thể dùng nấu canh; có khi dùng ăn như rau gia vị. Để làm thuốc, người ta thu hái lá vào mùa xuân, chọn lá bánh tẻ, dùng tươi hay phơi khô; thu hái vỏ cây quanh năm.

Theo kết luận một nghiên cứu dược lý tại Trường Sỹ quan Quân y (Ngô Ứng Long, Việt Nam, 1960), lá Vông nem có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm an thần, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp, co bóp các cơ. Theo y văn Trung Quốc thì lá Vông chỉ có tác dụng sát trùng, tiêu tích, dùng để chữa chứng cam tích và tẩy giun ở trẻ em;  vỏ cây Vông được dùng phổ biến hơn, có tác dụng khu phong thông lạc, sát trùng, làm tê liệt, trấn tĩnh.

Trên lâm sàng, thường dùng Vông nem chữa tim hay hồi hộp, ít ngủ hoặc mất ngủ, trẻ em cam tích, viêm ruột ỉa chảy, kiết lỵ, viêm da, lở chảy nước, phong thấp, chân tê phù, ung độc. Ngày dùng 4-6g lá và 10-15g vỏ thân, dạng thuốc sắc.

Ðể làm thuốc an thần, có thể phối hợp với Lạc tiên, lá Dâu, tâm Sen. Ðể chữa bệnh trĩ, dùng lá tươi xào với trứng gà ăn, rồi dùng lá già giã ra, nướng nóng đắp vào hậu môn. Ðể chữa vết thương, dùng lá tươi nấu nước rửa và lá khô tán bột rắc.

Ðơn thuốc:

1. An thần: Lá Vông với lá Dâu non, mỗi thứ 15g, nấu canh ăn cho dễ ngủ, khỏi sốt âm, trằn trọc, nhức đầu chóng mặt.

2. Chảy máu cam, đại tiện ra máu, lòi dom: Lá Vông, lá Sen mỗi thứ 15g lá khô sắc uống; hoặc 30g lá tươi giã vắt nước cốt uống, bã đắp rịt hậu môn.

3. Kinh nguyệt không đều, rong kinh: Hoa vông 15g, sắc uống.

4. Phong ngứa ngoài da: Vỏ vông nem, Xà sàng tử (lượng bằng nhau), tán bột hòa mỡ heo bôi.

5. Đau răng: Vỏ Vông nem sắc nước ngậm súc hoặc tán bột mịn, rắc vào chỗ răng đau.

6. Rắn cắn: Hạt hay vỏ vông nem giã nhỏ, đun với ít nước thành bột nhão đắp lên vết cắn.

7. Dịch đỏ mắt: Vỏ vông nem 40g, cắt nhỏ, rửa nước muối, sao sơ, hãm nước sôi, đợi nguội bớt đem rửa mắt.

8. Sưng vú mới phát: Vỏ vông nem 20g, đường đỏ 100g, sắc uống.

9. Sau khi sinh, máu xấu đưa lên choáng đầu, mờ mắt: Vỏ cây Vông nem già, lá Mần tưới, Cỏ mần trầu, Cỏ xước, mỗi vị 10-15g, sắc uống.

10. Phong thấp: Vỏ vông nem, vỏ Chân chim, Kê huyết đằng, Phòng kỷ, Ý dĩ sao, Ngưu tất mỗi vị 15g, sắc uống.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *