Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Gai đầu răng to – cây thuốc mới

19/12/2023

Bác sĩ Trần Hữu Việt Lợi ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng có mang đến cho tôi một cây thuốc mà ông thân sinh vốn là một thầy thuốc nam có tiếng ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang gọi là “Dậy trắng”, thường dùng lá, rễ giã đắp cho mau lành vết thương, nhọt lở, đồng thời dùng toàn cây trong các bài thuốc chữa thấp khớp nhức mỏi có hiệu quả rất tốt.

Gai đầu răng to – Triumfetta grandidens. Ảnh: P.C.T

Nhìn mẫu cây có quả rất giống quả ké, tôi chắc mẩm sẽ khu trú tìm kiếm và dễ dàng định danh được cây này. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Được biết cây này có mọc ở các trảng cát vùng Hòa Châu, Hòa Tiến, nên tôi đoán có thể có trên các bãi biển ở quận Ngũ Hành Sơn. Thực tế điều tra thực địa tại đó, quả nhiên chúng tôi đã phát hiện có cả quần thể cây này ở trên các lô đất trống chưa xây nhà trên đường Võ Nguyên Giáp. May mắn hơn là chúng tôi đã chụp ảnh và thu mẫu được cây đang lúc có cả hoa lẫn quả để gửi cho một vài chuyên gia đầu ngành ở hai đầu đất nước định danh hộ. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua mà vẫn bặt vô âm tín.

Thấy tình thế khó khăn, tôi đành phải tự thân vận động, mò mẫm tra cứu sách vở và trên mạng Internet. Phải mất vài tháng, nhờ so sánh hình ảnh cây có hoa đã chụp với một hình ảnh tiêu bản tại một trường đại học ở Đài Loan (http://tai2.ntu.edu.tw/NTUFimage/image/990%20sp/5400/F00005329.jpg) và một số trang mạng khác, tôi mới xác định được đó là cây Gai đầu răng to, còn gọi Đay ké răng to, Đay cát, tên khoa học Triumfetta grandidens Hance, thuộc họ Đay – Tiliaceae.

Theo Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ (tập 2, tr.489) mô tả, Gai đầu răng to là cây bụi, thân không có rễ ở mắt, nhánh mảnh nằm (bò). Lá đa dạng, lá dưới thân có 3 thùy sâu, lá trên tròn dài, có ít lông ở gân, gân ở đáy 3-5; lá bẹ 2mm. Cọng 1-3 ở nách, mang 1-2 hoa; đài có lông hình sao; tiểu nhụy 10. Quả nang tròn có gai, rộng 7-8mm, gai móc có lông hình sao ở đáy.

Tác giả Đỗ Thị Xuyến trong một báo cáo tại Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, ngày 22-10-2009, mô tả rõ hơn về hoa loài này như sau: Hoa lưỡng tính, màu vàng, nhỏ, cuống hoa dài 2-3mm. Nụ hoa thường thuôn, có lông hình sao rải rác, kích thước 3-4 x 0,5-1mm. Lá đài 5, hình dải hay gần hình thìa, dài 6mm, có mũi nhọn ngắn, mặt ngoài có lông, mặt trong nhẵn. Cánh hoa 5, hình trứng ngược rộng hay gần hình thìa với gốc cánh hoa kéo dài, kích thước 3-4 x 1-2,5mm, gốc hơi bất xứng, có lông tuyến ở gốc. Trụ nhị nhuỵ tồn tại. Nhị 8-10, chỉ nhị tự do, nhẵn; bao phấn gần hình cầu, đính lưng. Nhị lép không có. Bầu gần hình cầu, có lông hình sao, 4 ô, mỗi ô 2 noãn. Vòi nhuỵ dài bằng nhị, nguyên, phía trên phình to. Núm nhuỵ dạng điểm.

Danh lục các loài thực vật Việt Nam (tập 2, tr.534) cho biết loài này thường mọc dọc theo bờ biển Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế (Huế), Đà Nẵng (Tourane), Khánh Hòa (Ninh Hòa), Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận (Phan Thiết). Còn có ở Trung Quốc (Hải Nam, Quảng Đông).
Về giá trị sử dụng, có tài liệu nói vỏ thân cho sợi, nhưng chưa thấy ở đâu ghi nhận làm thuốc.

Tuy nhiên, theo tra cứu của chúng tôi, chi Triumfetta  tại nước ta có 7 loài, trong đó có tới 4 loài đã được Từ điển cây thuốc Việt Nam của TS.Võ Văn Chi và Danh lục cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu ghi nhận công dụng làm thuốc. Đó là:

– Gai đầu hình thoi (Ké đay vàng – T. rhomboidea):  có tác dụng lợi tiểu, tiêu sỏi niệu, thanh nhiệt, chữa cảm sốt, phong thấp, nhọt lở.

– Gai đầu lông (Ké lông, Đay ké nhọn – T. pseudocana): có tác dụng giải biểu thanh nhiệt, lợi niệu tán kết, trị cảm mạo phong nhiệt, đái dắt, chữa lỵ.

– Gai đầu nhẵn (Đay ké nhẵn – T. annua): có tác dụng giải độc, cầm máu, trị mụn nhọt sưng độc, dao chém xuất huyết.

– Gai đầu vàng (Đay ké vàng – T. pilosa): có tác dụng lợi niệu trừ thấp, chữa ngứa, giảm ho, tiêu mủ, sinh cơ, hoạt huyết, hành khí, điều kinh; chữa mụn nhọt sưng lở, mẩn ngứa, đòn ngã tổn thương, kinh nguyệt không đều, có u trong bụng gây đau.

Từ nguồn tri thức bản địa sưu tầm được kết hợp tra cứu các cây thuốc cùng chi trên đây, chúng tôi kết luận bước đầu Gai đầu răng to – T. grandidens là cây thuốc có tác dụng tương tự và đã bổ sung vào Danh lục cây thuốc thành phố Đà Nẵng.

PHAN CÔNG TUẤN

Gai đầu răng to – Triumfetta grandidens. Ảnh: P.C.T

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *