Dừa cạn- cây cảnh, cây thuốc
30/03/2024
Còn nhớ khi mới vào nghề, tôi đã “tá hỏa” khi thấy một tờ báo chuyên ngành y tế viết bài giới thiệu rau dừa nước nhưng đăng ảnh minh họa là cây dừa cạn. Nhầm lẫn chết người ở chỗ trong khi rau dừa nước khá lành tính có thể làm thức ăn cho người và gia súc thì dừa cạn dù cũng là cây thuốc quý nhưng lại có độc, nên việc sử dụng phải hết sức cẩn thận, tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc.
Dừa cạn có tên khoa học là Cantharanthus roseus (L.) G. Don, thuộc họ Trúc đào – Apocynaceae. Đây là cây thảo cao 0,40 – 0,80m, phân thành nhiều cành. Lá mọc đối, hình thuôn dài 3-8cm, rộng 1 – 2,5cm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá phía trên, màu hồng hay trắng (hiếm gặp hơn). Cây ra hoa quanh năm nên thường được trồng làm cảnh và còn có tên gọi là trường xuân hoa, tứ thời hoa, nhật nhật tân. Để làm thuốc, có thể thu hái lá quanh năm, rửa sạch thái nhỏ dùng tươi hay phơi khô; rễ thu về rửa sạch, phơi hay sấy khô.
Dừa cạn Việt Nam có tỷ lệ alcaloid toàn phần là 0,1% tới 0,2%. Dừa cạn hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao hơn các loại khác. Rễ chứa hoạt chất (0,7-2,4%) nhiều hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các chất chủ yếu là vinblastin, vincristin, tetrahydroalstonin, pirinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin…
Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có độc, có tác dụng kháng ung thư, trấn tĩnh, an thần, hạ huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng. Dừa cạn được nghiên cứu làm thuốc kìm hãm sự phát triển tế bào và được chỉ định trong điều trị bệnh Hodgkin (một loại ung thư hệ bạch huyết), bệnh bạch cầu lymphô cấp, một số ung thư. Trong dân gian vẫn dùng trị cao huyết áp, trị bệnh đái đường, điều kinh, chữa tiêu hóa kém và chữa lỵ, thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít. Có người dùng trị ung thư máu, ung thư phổi.
Ở Trung Quốc, toàn cây dừa cạn dùng trị cao huyết áp, bệnh bạch huyết lymphô cấp tính và ung thư, mụn nhọt độc. Còn ở Nouvelle-Calédonie (châu Đại Dương), dừa cạn cũng là vị thuốc chống ung thư. Ở Australia, nước hãm rễ cây dừa cạn là loại thuốc dân gian chống đái đường. Theo TS, Võ Văn Chi, từ năm 1926 người ta đã tìm thấy một phức hợp có tính chất của digitalin, tới năm 1944 đã tìm thấy một hoạt chất có trạng thái của insulin, điều đó cắt nghĩa được tác dụng hạ đường huyết của dừa cạn.
Liều dùng thân và lá phơi khô 8 – 20g (dạng thuốc sắc, cao lỏng hay viên nén từ cao khô). Nước ta đã chiết được vinblastin từ lá dừa cạn và dùng dưới dạng thuốc tiêm để chữa bệnh bạch cầu lymphô cấp. Tương tự các loại thuốc kháng ung thư khác, các chế phẩm alkaloid của dừa cạn cũng gây một số phản ứng bất lợi như: buồn nôn, nôn, nhức đầu, tiêu chảy, táo bón, tắc ruột, liệt, chán ăn, viêm miệng, rụng tóc, giảm bạch cầu, viêm thần kinh. Sử dụng liều cao và kéo dài có thể gây mù, tử vong. Thuốc có thể gây độc cho thai, nên tránh dùng cho thai phụ và người đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Một số bài thuốc từ dừa cạn
Tăng huyết áp, đái tháo đường: dùng 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng và 20g lá dâu, sắc lấy nước, chia uống từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Cách khác, dùng 6g hoa dừa cạn, 10g nụ hoa hòe (hoặc 10g cúc hoa), hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút. Uống thay nước trà mỗi ngày.
Ung thư máu, viêm đại tràng: lấy từ 15 – 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng, sắc, chia từ 2 – 3 lần uống trong ngày.
Mất ngủ: dùng 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng, 12g lá vông nem, 12g hạt muồng sao đen, sắc uống trước khi đi ngủ.
Rong kinh: lấy từ 20 – 30g dừa cạn sao vàng (toàn cây có cả hoa và rễ), sắc lấy nước, uống liên tục từ 3 – 5 ngày.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Apple Store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 54
- Tất cả: 38057