Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Dây sâm không phải sâm dây

28/11/2023

Tháng trước, có nguồn  tin cho tôi biết tại một xã giáp ranh 3 huyện Quế Sơn, Thăng Bình và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam một số bà con đã trồng được cây sâm dây  (tức đẳng sâm). Do đã một lần, mười năm về trước, khi một loạt các báo rầm rộ đưa tin nhầm lẫn về “mô hình trồng cây đẳng sâm đầu tiên ở Tam Kỳ đạt kết quả khả quan”, nên lần này tôi thấy nghi nghi, tức tốc cùng vài đồng nghiệp chạy vào tìm hiểu.

Dây sâm trồng ở xã Hương An, huyện Quế Sơn, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.C.T

Mất cả buổi hỏi đường lòng vòng, khi đến nơi, hóa ra linh tính của tôi đã đúng. Lần này không phải nhầm với cây Thương lục như lần trước, mà là nhầm với Dây sâm, còn gọi là Dây sâm lông, Dây sương sâm, Dây mối, Sâm nam – Cyclea barbata Miers (C. peltata Hook. et Thw.), thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Dây sâm là dây leo có các nhánh khía rãnh, có lông dày. Lá có cuống, hình khiên, cụt đầu hoặc hơi khía mép ở gốc, hình tam giác nhọn, tận cùng bởi một mũi nhọn hình sợi, màu lục và hầu như nhẵn ở mặt trên, màu nhạt và có lông mềm ở mặt dưới, dài 6 – 10cm, rộng 4 – 9cm, có 5 – 7 gân; cuống lá ngắn hơn phiến hai lần.

Cụm hoa ở nách lá, dài hơn cuống lá, phân nhánh, với các nhánh ở dưới dài hơn, tới 7cm. Hoa thành đầu hình cầu hay hình trứng, màu vàng. Quả hạch hình cầu, khi chín màu đỏ, có lông, đường kính 5mm. Hạch hình mắt chim, lồi cả hai mặt, có 8 u sần.

Cây mọc hoang dại, phổ biến ở nhiều nơi. Thu hái rễ và dây quanh năm, đào về, rửa sạch, thái lát, phơi khô để làm thuốc. Có thể trồng bằng các đoạn rễ củ hay gieo hạt.

Theo Đông y, rễ Dây sâm vị đắng, tính hàn, có độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm (chữa chứng tiểu khó, tiểu buốt), tán ứ, giảm đau; thường dùng trị cảm mạo phong nhiệt, hầu họng sưng đau, bệnh lỵ, sỏi tiết niệu, chấn thương do đánh ngã. Liều dùng 10-20g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài sắc để ngậm súc.

Theo Trung dược đại từ điển, Dây sâm có tên Ngân bất hoán (银不换) hay Kim tiền phong (金线风), được ứng dụng lâm sàng trong các bài thuốc như sau:

– Chữa cảm mạo phong nhiệt: Dây sâm 20g, Bạc hà 4g, Tổ kén (Sơn chi ma) 12g, sắc chia 2 lần uống.

– Chữa kiết lỵ: Dây sâm, Rau dền gai, Rau sam, mỗi thứ 30g, sắc chia 3 lần uống.

– Chữa đau dạ dày: Dùng rễ Dây sâm 4g, nhai nuốt nước, hoặc tán bột nuốt trộng. Đã điều trị 50 ca, tất cả đều giảm đau sau 15-30g dùng thuốc.

– Chữa viêm khí quản mạn tính: Dây sâm 20g, Xuyên tâm liên 15g, Bách bộ 20g. Sắc 2 lần, bỏ bã, cô đặc còn 30-60ml, uống ngay 1 lần, liệu trình điều trị 10 ngày. Bệnh nặng có thể dung 2 liệu trình. Hầu hết sau 2-3 ngày dùng thuốc đều giảm ho, đàm loãng dễ khạc.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá Dây sâm lợi tiểu, giải nhiệt, nhuận tràng nhẹ; thường được vò làm thạch ăn (sương sâm) có tính mát, giúp giải khát, trị đái dắt, đái vàng, nóng ruột, sôi bụng, táo bón.  Cách chế như sau:

Lấy 100g lá Dây sâm tươi già, loại bỏ lá úa, lá sâu. Rửa sạch (cần nhẹ tay tránh làm rách lá), để ráo nước, rồi cho vào chậu sạch. Đổ vào 1-1,5 lít nước sôi nguội. vò mạnh tay cho nát lá từ 15-20 phút. Lọc nhanh qua lớp vải màn hay rây. Vớt bỏ lớp bọt nổi trên mặt, để yên vài giờ cho đông lại thành thạch sâm (sương sâm). Cắt nhỏ thạch trộn với đường, đây là món ăn giải nhiệt rất được ưa chuộng trong mùa hè.

Xin nói thêm, ngoài Dây sâm hay Dây sâm lông  – Cyclea barbata, nhiều nơi bà con ta cũng trồng Dây sương sâm hay Dây sâm trơn – Tiliacora triandra, đều được dùng để chế thạch sâm. Đã có nhiều mô hình trồng Dây sâm cho hiệu quả kinh tế khá cao ở Đồng Nai, Bến Tre… từ nhiều năm trước.

Tại xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam mà chúng tôi tìm đến đợt vừa qua, đã có 5 –7 hộ trồng chừng 1-2 sào Dây sâm có thể thu được 100-150 triệu mỗi năm. Thiết nghĩ mô hình này một số bà con nông dân ở thành phố Đà Nẵng có thể học tập thử nghiệm.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *