Cúc vạn thọ làm thuốc
25/03/2024
Ngày Tết, không nhiều tiền để mua các loài hoa quý phái, chỉ cần tậu vài chậu cúc vạn thọ, bạn có thể điểm tô cho ngôi nhà vàng rực sắc xuân suốt cả tháng Giêng. Ngoài ra, nếu chịu khó tìm hiểu, bạn sẽ biết tận dụng hoa lá của cúc vạn thọ để làm thuốc chữa được nhiều bệnh.
Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, Cúc vạn thọ hay Cúc vạn thọ kép, tên khoa học Tagetes erecta L., thuộc họ Cúc – Asteraceae. Đây là cây thảo mọc đứng, cao 0,6-1m, phân nhánh thành bụi có cành nằm trải ra. Lá xẻ sâu hình lông chim, các thùy hẹp, dài, nhọn, khía răng cưa. Đầu hoa tỏa tròn, rộng 3-4cm hay hơn, mọc đơn độc hay tụ họp thành ngù; lá bắc của bao chung hàn liền với nhau; hoa màu vàng hay vàng cam, mào lông gồm 6-7 vẩy rời nhau hoặc hàn liền nhau. Hoa ở phía ngoài hình lưỡi nhỏ xoè ra, hoa ở phía trong hình ống và nhỏ. Quả bế có 1-2 vẩy ngắn. Cây được trồng bằng cách giâm cành hay gieo hạt nơi đất ẩm và nhiều ánh sáng. Cây ra hoa vào mùa đông cho tới mùa hạ. Người ta thu hái hoa vào mùa xuân, hè, phơi khô ngoài nắng. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.
Theo Đông y, Cúc vạn thọ có vị đắng, mùi thơm, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, long đờm, trị ho. Có tài liệu cho là cây có tác dụng thông khí, trị ho; lá làm mát phổi gan, giải nhiệt; còn hoa thanh tâm, giáng hỏa, tiêu đờm. Thường dùng trị bệnh đường hô hấp, đau mắt (viêm kết mạc); ho gà, viêm khí quản; viêm miệng, viêm hầu, đau răng. Dùng ngoài chữa viêm tuyến mang tai, viêm vú, viêm mủ da. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, nghiền hoa với ít giấm để đắp, nghiền rễ tươi và lá chữa viêm mủ da.
Theo kinh nghiệm của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, dùng 10-15g hoa Cúc vạn thọ giã nát trộn với ít đường chữa kiết lỵ, ngoài ra phối hợp với một số dược liệu khác thành bài thuốc chữa hen như sau: Hoa cúc vạn thọ, Rau cần tươi, Nhân trần, Củ tầm sét, Thài lài tía, Rễ bạch đồng nữ, Tinh tre mỡ, mỗi vị 10g, thái nhỏ phơi khô, sắc uống trong ngày.
Dưới đây là 7 bài thuốc được dịch theo sách Dân gian bách thảo lương phương (NXB KH-KT Phúc Kiến, 2010):
1. Viêm tuyến mang tai, viêm vú: dùng Cúc vạn thọ, Thất diệp nhất chi hoa, Kim ngân hoa lượng bằng nhau, nghiền ra hòa giấm gạo để đắp chỗ đau.
2. Ho gà: dùng 10 hoa, sắc nước và thêm đường đỏ, chia 2 lần uống trong ngày, liên tục 3-5 ngày.
3. Viêm kết mạc mắt: Cúc vạn thọ 15g, Cúc hoa vàng 15g, quả Dành dành 10g, sắc nước chia 2 lần uống trong ngày.
4. Viêm khí quản: Cúc vạn thọ 20g, Ải địa trà (Tử kim ngưu) 30g, Bồ công anh 15g, sắc chia 2 lần uống trong ngày, từ 3-5 ngày.
5. Cao huyết áp: Cúc vạn thọ 15g, Cúc hoa vàng 15g, Quỷ châm thảo (Đơn kim 5 lá) 30g. Sắc nước chia 2 lần uống, liên tục trong nhiều ngày.
6. Trị các loại mụn, nhọt: Dùng lá cúc vạn thọ lượng vừa đủ, rửa sạch giã nhuyễn đắp lên.
7. Trị sa tử cung sau sanh: Hoa và lá cúc vạn thọ lượng vừa đủ nấu nước xông ngâm.
PHAN CÔNG TUẤN
Đọc thêm: Hoa vạn thọ chữa mụn rộp
Một nghiên cứu phối hợp giữa 2 nhóm nhà khoa học Anh và Tây Ban Nha vừa được phổ biến trên tạp chí Phytotherapy Research[i] đã cho biết hoa vạn thọ có tác dụng chữa trị chứng Herpes.
Herpes thường gọi là mụn rộp, là loaị bệnh nhiễm virus với những những mụn nước hoặc những vết loét ở da, thường là ở vùng môi, miệng hoặc bộ phận sinh dục, gây đau, rát, ngứa khó chịu. Bệnh do virus có tên là Herpes Simplex Virus (HSV) gây ra. Có 2 loại HSV1 và HSV2. Herpes khó trị và rất dễ tái phát.
Hoa vạn thọ thường được trồng làm cảnh, lá vò nát có mùi thơm đặc trưng. Lá non có thể làm rau trộn. Hoa và lá vạn thọ là một loại thuốc giúp xua đuổi côn trùng. Từ lâu, nhiều dân tộc trên thế giới đã biết sử dụng hoa vạn thọ (Tansy, Tanacetum vulgare) để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau từ sốt đến thấp khớp, kể cả herpes. Tuy nhiên, chỉ mới đây, các nhà khoa học Anh và Tây Ban Nha bắt đầu công nhận hiệu quả của liệu pháp truyền thống của loại thảo dược nầy đối với herpes.
Giáo sư Francisco Parra thuộc trường Đại học Oviedo, thành viên nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha cho biết “Hiện nay chúng ta vẫn chưa tạo được loại vaccin ngừa HSV1 và HSV2. Do đó, chúng tôi quan tâm đến tác dụng sát khuẩn của hoa vạn thọ, đặc biệt là đối với virus herpes”. Các dạng nước sắc thân, lá hoặc rễ cũng như những hợp chất trích xuất từ cây hoa nầy đều được quan tâm nghiên cứu. Kết quả cho biết ngoài hoạt chất parthenolide đã được tìm thấy trước đây, các thành phần của cây vạn thọ còn có hàm lượng nhiều hợp chất có tác dụng chống lại sự phát triển của virus herpes như axillarin và 3,5-dicaffeoylquinic acid (3,5-DCQA). Ông cho rằng việc nghiên cứu những hợp chất chống oxy hóa và những hoạt chất có giá trị dược liệu từ những thảo dược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền y học truyền thống.
Trên thực tế, ngoài những hợp chất chống oxy hóa và những hoạt chất hữu ích khác, lá và hoa vạn thọ còn chứa 0.15% tinh dầu bao gồm camphor, borneol và thujone. Thujone có thể phân hủy thành chất có độc tính khi vào cơ thể. Liều khoảng 15g tinh dầu nầy có thể làm chết 1 người lớn[ii]. Ngoài ra, vạn thọ còn có tác dụng gây ra kinh nguyệt, phá thai và có thể làm hư thai ở phụ nữ. Do đó, ngoại trừ việc dùng lá tươi giã nát hoặc nước sắc đặc bôi ngoài da, cần những nghiên cứu xa hơn về liều lượng hoặc cách sử dụng khi uống trong.
TRỌNG LINH (tức VÕ HÀ, CTQ số 177)
[i] Old Folk Remedy Revived: How Tansy May Be a Treatment for Herpes. http://www.sciencedaily.com/news/mind_brain/add_and_adhd/
[ii] Tansy. Tanacetum vulgare L.http://montana.plant-life.org/species/tanacet_vulgare.htm
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Apple Store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 57
- Tất cả: 38060