Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Cỏ mực

03/03/2024

Cỏ mực hay Hạn liên thảo, Nhọ nồi (Eclipta prostrata L., họ Cúc – Asteraceae) là vị thuốc được sử dụng khá phổ biến tại các cơ sở  thuốc namTuệ Tĩnh đường: “Cỏ mực mát máu, bổ âm/ sao đen chảy máu uống cầm được ngay”.

“Cỏ mực mát máu, bổ âm/ sao đen xuất huyết uống cầm được ngay”. Ảnh: P.C.T

Ở nước ta, cỏ mực phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và miền núi, đến độ cao 1.500m (ở các tỉnh phía nam). Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc lẫn với các loại cỏ thấp, trên đất ẩm ở bãi sông, ruộng trồng hoa màu, ven đường đi, bãi hoang quanh làng bản… Ra hoa quả nhiều hằng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Bên cạnh đó với khả năng mọc chồi và phân cành nhiều, cây dễ dàng phát triển, tạo thành đám bò lan trên mặt đất.

Ngoài việc thu hái từ nguồn hoang dại, gần đây, cỏ mực đã được trồng phổ biến để bào chế thuốc từ dược liệu. Cỏ mực không có sâu bệnh, nhưng cần chú ý làm cỏ và giữ ẩm. Cây có thể trồng được trong điều kiện che bóng một phần.

Toàn bộ phần trên mặt đất thu hái trước khi cây ra hoa, phơi khô. Khi dùng, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, cắt đoạn 3 – 5 cm, rồi sao qua hoặc sao cháy. Nếu sao cháy (để cầm máu), dùng lửa to sao nhanh đến khi bên ngoài cây có màu đen thì phun ít nước để trừ hỏa độc, để nguội mới dùng.

Theo Đông y, cỏ mực có vị ngọt chua, mặn, tính mát, có tác dụng bổ thận, mạnh xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.

Nghiên cứu dược lý hiện đại chứng minh cỏ mực có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cầm máu, tiêu viêm, chống viêm gan và có hoạt tính ức chế ung thư.

Cỏ mực thường được dùng làm thuốc bổ máu, cầm máu bên trong và bên ngoài, chữa ho ra máu, rong kinh, băng huyết, chảy máu cam, trĩ ra máu, nôn ra máu, đái ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ban sởi, ho, hen, viêm họng, bỏng, lao phổi, di mộng tinh, bệnh nấm ở da, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi) và nhuộm tóc.

Mỗi ngày dùng 20g cây khô, dưới dạng thuốc sắc uống. Dùng tươi 30 – 50g, giã vắt lấy nước uống, còn bã đắp vết thương.

Bài thuốc ứng dụng:

1. Thuốc cầm máu: Mỗi ngày 12g cỏ mực khô hoặc 30 – 50g tươi, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngó sen, lá trắc bá, bách hợp.

2. Chữa lỵ: Cỏ mực tươi 100g, lá mơ trắng (mơ dại) 100g. Nếu chỉ có 1 trong 2 vị, dùng 200g tươi. Sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

3. Chữa ỉa chảy (do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa): Cỏ mực 1 nắm, mã đề tươi 1 – 2 nắm, rau  má 1 nắm. Sắc đặc, chia nhiều lần uống trong ngày.

4. Chữa sốt xuất huyết: cỏ mực tươi 30g, rau má tươi (hoặc sắn dây, cỏ mần trầu) 30g, bông mã đề tươi (hoặc cối xay, rễ cỏ tranh) 20g. Vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Bài thuốc này cũng có thể dùng để phòng bệnh trong mùa dịch sốt xuất huyết.

5. Chữa trẻ em tưa lưỡi: cỏ mực tươi 4g, hẹ 2g. Hai vị rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt, hòa mật ong, trộn đều, chấm thuốc vào lưỡi, cách 2 giờ một lần.

6. Chữa động thai băng huyết: cỏ mực, ngải cứu, trắc bách diệp mỗi thứ 1 nắm, đều sao cháy đen, cành tía tô 12g, củ gai 12g. Sắc đặc uống làm một lần.

7. Ho do viêm họng hoặc viêm amidan cấp: cỏ mực tươi 50g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 ngày.

8. Chữa thấp khớp (có sưng khớp): cỏ mực 16g, rễ cỏ xước 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc đặc, ngày uống một thang, trong 7 – 10 ngày liền.

9. Chữa viêm gan virus thể mạn tính tiến triển: cỏ mực 12g; mẫu lệ 16g, kê huyết đằng, sinh địa, mỗi vị 12g, quy bản 10g, uất kim, tam lăng, nga truật, chỉ xác, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

10. Chữa đái ra máu kéo dài do bệnh toàn thân: cỏ mực, đảng sâm, mỗi vị 16g, hoài sơn, bạch truật, thạch hộc, ngẫu tiết sao đen, thục địa, trắc bá diệp, ngải cứu, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

11. Chữa bệnh bại liệt trẻ em giai đoạn khởi phát: cỏ mực, cỏ tranh, bồ công anh, cam thảo đất, liên kiều, mã đề, mỗi vị 10g, ngân hoa 6g. Sắc uống ngày một thang.

12. Chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu của tủy xương: cỏ mực, thục địa, mỗi vị 16g; hoài sơn, mai ba ba, ngẫu tiết, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

13. Hỗ trợ điều trị bệnh ưa chảy máu (hemophilia): Cỏ mực 20g, Lá dâu 10g sắc uống. Hoặc tăng lượng gấp 100 lần, sấy thơm giòn, tán bột làm hoàn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g. Đây là bài thuốc kinh nghiệm của người viết bài này, đã có lần phổ biến trên chuyên mục PHTQ: “Cỏ mực sắc với lá dâu/ Bệnh ưa chảy máu nhắc nhau thường dùng”.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *