Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: VỢ CON, TÌNH DUYÊN

14/02/2024

Chuyện Lão Lười 15: VỢ CON, TÌNH DUYÊN

 

Về vợ con của Lãn Ông, theo Văn Xá Lê Tộc Thế Phả (do chính người cha của Lãn Ông là Lê Hữu Mưu khởi soạn từ thờ Lê, nhưng mới được sao chép bổ sung lại vào đời Minh Mạng triều Nguyễn vì trong phả hệ có ghi “Hải Dương tỉnh” vốn mới lập từ năm 1831 đời Minh Mạng) có đoạn chép về Lãn Ông do học giả Trần Văn Giáp lược dịch cho biết “có vợ họ Nguyễn, sinh con trai là Hữu Hưởng, Hữu Ninh và 4 con gái, có 3 cháu nội là Hữu Thành, Hữu Khư, Hữu Duy… đó là chép theo lời con trai thứ của Hữu Nghị là Hữu Cát, hiện ở một làng gần thành Hà Tĩnh”.

Trong Tiểu dẫn tập Ấu Ấu Tu Tri, chuyên luận về bệnh trẻ em trong bộ sách của mình, Lãn Ông có viết: “Tôi đã khổ sở vì cái nạn muộn con, uống những thuốc âm dương sinh nở được 8,9 đứa mà chết non phần lớn, chỉ còn 2,3 đứa. Vả lại khí bẩm của tôi vốn yếu ớt, sinh con càng yếu ớt hơn”. Lời Tiểu dẫn này cùng nhiều lời Tiểu dẫn các tập khác không ghi năm viết, đều nằm trong bộ sách cơ bản ban đầu hoàn thành trước năm 1770, lúc Lãn Ông mới 47 tuổi, nên có thể có thêm con về sau.

[Tài liệu của GS.BS Nguyễn Văn Thang có nói Hải Thượng có hai người vợ: vợ cả tên là Lê Thị Khoan, mất năm 1798 và vợ thứ là Hoàng Thị Hợp mất năm 1789, nhưng chúng tôi chưa tìm ra nguồn gốc tài liệu này nên chỉ ghi nhận tồn nghi tại đây].

Về chuyện tình duyên, trong Thượng Kinh Ký Sự, Lãn Ông có thuật lại một mối tơ duyên cũ rất cảm động. Nguyên thuở thiếu thời, gia đình có dạm hỏi một thiếu nữ con quan Thừa tư tham chánh ở Sơn Nam, vốn người làng Huê Cầu (thuộc tỉnh Hưng Yên, quê nội) cho Lãn Ông. Mặc dù đã làm đầy đủ lễ nạp thái, vấn danh nhưng vì có việc trắc trở nên Lãn Ông phải từ hôn về ở luôn quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Năm, sáu năm sau, có dịp trở lại Kinh đô (có lẽ vào năm 1756), nghe tin quan Thừa tư tham chánh đã qua đời, còn cô con gái cho rằng đã có người dạm hỏi tức là đã có chồng rồi, thì mặc dù bị từ hôn vẫn thề suốt đời không lấy ai nữa! Nghe chuyện, khiến Lãn Ông lòng dạ rối bời: “Vì mình tính việc không thận trọng, nên chi hữu thủy vô chung, khiến cô ta ôm hận suốt đời. Như vậy thì cái tội phụ bạc của mình biết đến thuở nào gỡ cho xong”.

Ngờ đâu, chuyến lên Kinh chữa bệnh lần này (1782), tình cờ gặp lại “người cũ” nay đã là một bà sư già đi quyên tiền đúc chuông cho chùa Huê Cầu.

Bấy giờ, nỗi lại dằn vặt năm xưa lại cào cấu “chàng trai” ngót tuổi 60, khiến phải trút bầu tâm sự cùng cậu học trò: “Đến nay gặp nhau ở đây, thấy cảnh bà ấy cô đơn đau khổ thế này. Cho nên dù còn tình hay không, nhưng mọi cơ sự cũng đều do ta gây ra. Bây giờ, chỉ có một cách nuôi dưỡng bà ta cho trọn tuổi trời, thì mới chuộc nỗi oan khiên do mình gây ra ngày trước”.

Lãn Ông đã sai mua ít quà cáp biếu tặng và nhờ cậu học trò làm “chim xanh” tìm đến nơi ở truyền đạt ý nguyện muốn chu cấp cho cố nhân trong thời gian ở Kinh và mời cùng về Hương Sơn ở trong ngôi miếu có sẵn trong vườn nhà Lãn Ông có thể sớm tối đèn nhang thờ Phật, mọi việc ăn mặc quanh năm Lãn Ông sẽ gánh vác hết “một là để đền đáp lại tiết nghĩa cao quý của bà ấy, hai là chuộc lại lỗi lầm của ta ngày xưa”.

Khi nghe học trò thưa chuyện, bà ta đã sụt sùi khóc mà trả lời rằng: “Đa tạ quan nhân có lòng tốt. Nhưng kiếp này tôi không gặp được chồng, mà phải cô đơn khổ não, âu cũng là số mệnh vậy. Đâu có dám oán than gì ai. Một chút thân tàn này cũng chẳng tiếc gì. Chỉ hiềm một nỗi hiện nay họ hàng không còn ai, phần mộ ông cha không người chăm sóc. Bởi vậy lẽ nào lại vì ấm no riêng cho một mình mà rời đi đất khác để kiếm ăn sao. Ông nên về thưa với quan nhân rằng: Tôi dù được đội ơn thừa của người, nhưng vâng nhận tấm lòng quý hóa thế này, cũng đủ an ủi nỗi niềm linh lạc của tôi rồi”.

Lãn Ông nghe học trò thuật lại, xiết bao ngậm ngùi, bèn làm một bài thơ (xem ảnh kèm).

Từ đó, hai bên thường đi lại hỏi thăm nhau. Bà sư có lần nói: “Nghe nói Nghệ An có nhiều áp quan gỗ tốt, muốn mua một cỗ”. Lãn Ông cho người tìm ngay, nhưng chưa có. Lúc Lãn Ông được về quê, có để lại 5 quan tiền để mua tặng bà.

Đó là câu chuyện tình cảm động được chính Lãn Ông kể lại khá chi tiết trong Thượng Kinh Ký Sự, giúp cho chúng ta hiểu về trái tim của vị danh y lỗi lạc.

P.C.T

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *