Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ

08/01/2024

Chuyện Lão Lười 3: QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ

Quê hương tuổi thơ của Lãn Ông, một góc làng Liêu Xá ngày nay. Ảnh: P.C.T

Lãn Ông sinh ra ở quê mẹ, cả cuộc đời hoạt động về sau gắn liền với nơi chôn nhau cắt rốn quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Quê nội Lãn Ông là thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Đường hào, trấn Hải Dương, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, vốn là miền ký ức tuổi thơ của cậu bé Thuần Chẩn, một tên gọi khác của Lê Hữu Trác sau này.

Trong Thượng Kinh Ký Sự có một đoạn tả chân khá cảm động khi tác giả ngót 60 tuổi nhân được triệu vời lên kinh chữa bệnh trong phủ chúa đã tranh thủ xin phép chống gậy về thăm quê cha đất tổ sau 30 năm xa cách.

Chẳng bao lâu về đến Liêu Xá là quê hương tôi, qua cái cầu gạch đi vào làng. Cầu bắc qua con sông chạy ngang trước làng. Tôi vào nghỉ ở dinh của thầy tôi. Người anh của tôi (Lê Hữu Kiển) làm Thự trấn Lạng Sơn, có một cái dinh ở làng… Hôm sau tôi đi dạo chơi trong vườn đến gần một cây lớn. Đây là phòng ngủ của thầy tôi ngày xưa. Vườn cam này là nhà khách, nhà sảnh, đằng sau là nhà trong, bên trái là nhà bếp, bên phải là nhà học…

… Công việc xong xuôi, tôi rủ mấy người em họ ra chơi ở cái cầu làng. Nguyên làng tôi có một cái đầm nhỏ hình cái bầu (hồ lô). Làng có hai xóm: một xóm trong đầm, một xóm ngoài đầm. Ở giữa bắc một cái cầu để hai bên đi lại. Trên mặt cầu dựng một cái nhà ngói, hai bên bắc ván, bên ngoài có đóng bao lơn bằng gỗ để người ra chơi nghỉ ở đấy. Đàn bà trong làng ra đây ngồi bán nước chè, rượu, bánh trái, nem chả.

Khi còn bé tôi thích ra đây chơi, ngày nào cũng vậy. Đầu mùa hạ, mưa to, nước sông lớn chảy vào mạnh, tôi thường cùng anh tôi ra đây tắm, nào hụp, nào lặn đến đêm khuya mới về. Tôi còn nhớ anh tôi bảo: Chúng mình còn nhỏ nên chơi cho thỏa thích, mai sau lớn lên làm quan, xa cách, giang hồ, làm gì có dịp ngày ngày vui đùa với nhau ở đây nữa.

Về sau anh tôi quả nhiên thi đỗ làm quan Thự trấn Lạng Sơn, còn tôi thì phiêu bạt giang hồ, há chẳng phải là câu sấm của trẻ con đó sao? Tôi kể câu chuyện cũ cho mấy em họ nghe, bát giác niềm hoài cổ dấy lên bèn làm một bài thơ:








 “Thiếu thời du ngoạn xứ

Mỗi vọng mỗi tư ta

Kỷ độ phi hoàng diệp

Trùng lai vọng bạch ba

Hoành kiều y cựu khúc

Thụ đoản chí kim tà

Tuế nguyệt thôi nhân khứ

Thân bằng kỷ tại gia”

Chốn rong chơi thuở nhỏ

Mỗi nhìn mỗi bâng khuâng

Lá vàng bay mấy độ

Sóng bạc ngó bao tầng

Cầu ngang nguyên nhịp cũ

Cây thấp nay nghiêng dần

Người đi năm tháng giục

Còn lại bao người thân

(Bùi Hạnh Cẩn dịch)

Chỉ với một đoạn ký sự ngắn và bài thơ tuyệt bút, Lãn Ông đã vẽ cảnh vẽ tình vô cùng sắc nét sống động, ký ức tuổi thơ trộn lẫn tâm tư người có tuổi xa quê, cho thấy ngòi bút tài tình của vị danh y khó có bậc văn nhân tài tử nào sánh kịp. Văn ấy là người, là hồn, là cốt, là tiên đơn thánh dược chữa bệnh cho tâm hồn, chứ không chỉ chữa bệnh thể xác, đó là điều các thế hệ thầy thuốc ngày nay cần chiêm nghiệm.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *