Chuyện Lão Lười: PHỤNG SỰ THẦY TỔ – TRUYỀN BÁ Y ĐẠO
25/01/2024
Chuyện Lão Lười 9: PHỤNG SỰ THẦY TỔ – TRUYỀN BÁ Y ĐẠO
Song song với việc hành y soạn sách, cũng từ năm 1760, Lãn Ông đã chính thức thâu nhận học trò, mở trường lớp truyền bá Y đạo một cách bài bản.
Bên cạnh việc đào tạo học trò trực tiếp trong nhà, Lãn Ông còn gián tiếp đào tạo thông qua các tập sách đã soạn như các giáo trình hàm thụ cho học trò truyền tay chép lại để học tập.
Trong Thượng Kinh Ký Sự, Lãn Ông có kể một chuyện khá thú vị: Một người học trò của Lãn Ông là Tổng Thuần cho biết có biếu một bản sao bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh cho người bạn tên Sự, người Hoa ở kinh đô. Anh ấy ngày đêm học tập, qua đó học thuật ngày một tiến bộ, trở thành thầy thuốc nổi tiếng ở kinh đô. Mặc dầu chưa gặp mặt bái sư, nhưng vị thầy thuốc này đã lập bàn thờ thờ sống Lãn Ông, nay nghe tin thầy lên kinh, đã vui mừng ra đón mời thầy về nhà cảm tạ.
Không chỉ chú tâm tiếp nhận truyền thụ cho học trò nắm vững y triết, y lý, y thuật, y đức (sẽ đề cập sau), mà còn giáo dưỡng học trò thực hiện các nghĩa vụ phụng sự thầy tổ như một nét đẹp văn hóa của Y đạo.
Sinh thời, Hải Thượng Lãn Ông rất chăm lo việc phụng sự, thờ cúng các bậc tiên sư thầy tổ của mình. Trong phần Phụ lục phụng tiên sư lễ nghi trong tập đầu bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh, tác giả đã viết: “Tôi bỏ công danh, theo học nghề y, đã hơn mười năm khổ tâm cầu đạo, ở chốn núi rừng hẻo lánh, trên không có thầy giỏi để thờ, dưới không có bạn hiền để cậy, một mình ra sức tìm tòi, đến khi đọc bộ Cẩm nang bí lục mới thấu ngộ được diệu dụng âm dương, chân cơ thủy hỏa.
Rồi gặp cảnh nhà hai đứa con gái đều ốm nặng ngặt nghèo, mạng sống dường như treo trên sợi tóc, tưởng chừng không còn cách nào cứu chữa, tôi chỉ đem phương thuốc thủy hỏa dốc sức vãn hồi, cuối cùng đều được cứu sống, từ đó ứng dụng chữa bệnh rộng rãi trong gia đình cũng như ngoài làng xã đều thành công.
Cảm kích vô cùng nên tôi đã dùng giấy bút vẽ thần tượng của Trương Công (tức Phùng Triệu Trương, tác giả bộ Cẩm nang bí lục), dọn một phòng sách để sớm tối lo hương đèn báo đáp ân đức sâu nặng của ngài. Lại lưu tiền lễ của học trò mỗi người một quan giao người giữ lấy lãi, cộng với khoản thu một phần sáu mươi trong số tiền thuốc bệnh nhân hậu tạ, hằng năm chọn ngày đầu xuân cùng với học trò sắm lễ cúng tế”.
Đoạn sau, Hải Thượng Lãn Ông ghi chép cẩn thận toàn bộ lễ nghi, từ việc thiết lập bàn thờ, bài trí bài vị không chỉ riêng Phùng Thị tiên sư mà chung cho toàn bộ lịch đại tổ sư từ Thần Nông, Phục Hy, Hoàng Đế đến chư vị thánh sư, hiền sư, tiên sư…, cùng các bài cáo thỉnh, văn tế chi tiết cho từng dịp lễ, với ý nguyện để lại cho học trò đời sau có chí học ngành y noi theo báo đáp các bậc thầy tổ.
Rất tiếc, nguyên bản phần này bị lược bỏ trong bản dịch tiếng Việt của Viện Đông y Hà Nội trước đây, phải chăng do tư duy ấu trĩ một thời cho các việc liên quan đến thờ cúng là mê tín? Hy vọng một ngày gần đây khi tái bản bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh, NXB Y học sẽ khôi phục chương sách này, bởi đó chính là một biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, một mạch ngầm văn hóa tâm linh xuyên suốt lịch sử dân tộc, một nét đẹp văn hóa Việt Nam đã và đang được phát huy không ngừng.
P.C.T
2 Replies to “Chuyện Lão Lười: PHỤNG SỰ THẦY TỔ – TRUYỀN BÁ Y ĐẠO”
Trả lời
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 10
- Tất cả: 38094
Cảm ơn, Lương y Phan Công Tuấn đã ghi nhận điểm nhấn này của Đại y sư. Rất tiếc, như Lương Y đã chia sẻ, cái đức tôn sư trọng đạo thông qua việc phụng sự, tri ân các bậc tiền bối của Thầy thuốc Lãn Ông, đã bị những kẻ vô tâm, thiếu hiểu biết xem nhẹ và chụp cho một cái nón “mê tín”. Thế là cái vốn cổ đạo hiếu bị xâm hại và lãng quên suốt mấy thế hệ.
Giáo dục con người là cả một quá trình, từ khi bào thai mới hình thành, hài đồng, rồi ấu ấu, niên thiếu… trưởng thành… đến khi về cõi Niết bàn, cũng vẫn cần tu tập, luyện rèn.
Nay chúng ta có dịp sáng suốt để làm lại từ đầu, bổ khuyết cho những gì cần thiết nhất cho một nhân cách trên chặng đường tiếp theo.
Cám ơn học giả Lê An Vi, một hậu duệ đời thứ 9 của Đức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông đã bình luận.