Chuyện Lão Lười: NHÀ THƠ TÀI HOA
30/01/2024
Chuyện Lão Lười 11: NHÀ THƠ TÀI HOA
Không chỉ là nhà văn viết ký sự xuất sắc, Hải Thượng Lãn Ông còn là nhà thơ ẩn dật tài hoa, đã lưu lại những sáng tác rải rác trong tác phẩm của mình trên bước đường đi chữa bệnh, khi thì đề thơ tại các danh lam thắng cảnh, khi thì tức cảnh sinh tình gởi gắm tâm sự chí hướng của mình.
Trong tập Thượng Kinh Ký Sự, đã ghi lại 51 bài thơ của Hải Thượng Lãn Ông trong ngót một năm (chính xác là 45 bài thơ sáng tác, 1 bài làm chung với một nữ thi sĩ, 5 bài thơ Lãn Ông họa thơ các thi nhân đương thời).
Trong lời Tự tựa và tập Y lý thâu nhàn lý ngôn phụ chí (phụ chép những lời thơ quê mùa làm trong lúc hành y rảnh rỗi) in đầu sách Lãn Ông Tâm Lĩnh, có lưu lại 30 bài thơ Hải Thượng Lãn Ông đã sáng tác (1 bài trong lời Tự tựa và 29 bài trong Y lý thâu nhàn, trong đó có 1 đề chung 4 bài và 2 đề chung mỗi đề 2 bài).
Trong tập Y âm án cũng có ghi lại 3 bài thơ Lãn Ông sáng tác trên đường đi chữa bệnh.
Với Hải Thượng Lãn Ông, thơ trước hết là để nói lên chí khí của mình, đồng thời ghi lại những cảm xúc chân tình của người thầy thuốc trên những nẻo đường chữa bệnh. Thơ không chỉ là chất xúc tác thi vị cho cuộc sống, mà thơ còn là thuốc chữa bệnh cho tinh thần.
Có một bài thơ Cảm hoài (Học thuốc, xa đời, giữ chữ chân/ Giàu sang không biết, biết chi bần?/ Ba sinh rừng suối mong tròn đạo/ Muôn dặm vua vời phải dấn thân/ Nửa gánh khói mây rầu ngựa trạm/ Đầy non vượn hạc tiễn chinh nhân/ Danh suông tự thẹn không gì quý/ Lo sợ ngông cuồng đối thánh quân. Bùi Hạnh Cẩn dịch) đã có đến vài chục danh sĩ đương thời ở kinh đô họa lại, chứng tỏ sức ảnh hưởng của thơ Lãn Ông trong văn giới không kém sức ảnh hưởng của bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh đối với y giới.
Trong lời tựa bản dịch Thượng Kinh ký sự, dịch giả Phan Võ đã viết về thơ Lãn Ông: “Lời thơ mới mẻ, tứ thơ man mác, ngó thì đạm nhưng ý vị vô cùng. Có cái vẻ đẹp của bóng trăng trên núi, cái thanh khí của gió trên sông. Đọc lên, nhắc người ta nhớ tới Lý Bạch. Phải có một tình yêu thiên nhiên sâu sắc, phải là một tâm hồn chân thật mới có những bài thơ như thế“.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Trọng Thuật cũng từng dich Thượng Kinh Ký Sự trên Nam Phong tạp chí từ đầu thế kỷ XX đã khái quát: “… tới Hậu Lê có cụ Lãn là một người cao khiết phong lưu, bi ca khảng khái, người đáng nên thơ, cảnh đáng nên thơ, sự nghiệp lại càng đáng nên thơ, mà thơ lại sẵn có thiên tài ngay từ thủa nhỏ, cho nên lại có nhiều vẻ đặc sắc, biệt thành ra một nhà danh nho”.
Riêng người viết bài này rất tâm đắc với bài thơ “Cảm hứng” ở đầu tập Y lý thâu nhàn, nên tạm dịch như sau:
Hai mấy năm rồi dốc học y
Đêm ngày sách vẫn đọc thường khi
Nắm tay họa phúc càng thêm sợ
Tấc dạ vuông tròn được mấy khi
Trồng hạnh há mong người báo đáp
Bảng treo may gặp kẻ yêu vì
Công danh bệnh trọng dây dưa mãi
Đạo đức chữa mình khỏe tức thì.
Cùng với bộ sách bách khoa toàn thư Lãn Ông tâm lĩnh để lại cho đời, những lời y huấn và những câu thơ thấm đẫm thiền vị của Hải Thượng Lãn Ông cũng là những “phương hay thuốc quý” có công năng trị liệu cho giới thầy thuốc ngày nay:
Xả ngã tư nhân ngoại/ Phù vân tổng thị nhàn
(Quên mình chữa bệnh người ta/ Ngoài ra tất cả đều là mây trôi).
Trường nguyện thế gian nhân bất bệnh/ Ngâm thi chước tửu dã y nhàn
(Mong đời hết kẻ ốm đau/ Tháng ngày thơ túi rượu bầu thảnh thơi)
Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định thiền
(Đạo y hiểu thấu tận cùng/ Soi lòng vắng lặng chứng thông cõi thiền).
…
Rằm tháng Giêng là ngày giỗ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) và là ngày truyền thống của ngành y học cổ truyền Việt Nam. Mấy năm gần đây, Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu) còn là Ngày Thơ Việt Nam.
Có một gặp gỡ thú vị giữa thuốc và thơ trong ngày kỷ niệm này: Hải Thượng Lãn Ông, tác giả bộ sách Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh (HTYTTL), không chỉ là nhà y học lớn mà còn là nhà văn, nhà thơ tài hoa nổi tiếng ở thế kỷ XVIII.
P.C.T
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 13
- Tất cả: 38097