Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: KHẮC IN BỘ SÁCH

08/02/2024

Chuyện Lão Lười 13: KHẮC IN BỘ SÁCH

Tượng gốm Lãn Ông và trọn bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (bản khắc gỗ chữ Hán, 1885) tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng. (Ảnh: P.C.T)

Để viết nên bộ sách Lãn Ông Tâm lĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã lao tâm khổ tứ, vắt gan vắt ruột hơn nửa đời người. Nhưng đến cuối đời Hậu Lê thì hầu hết bản thảo đều lưu lạc mất mát. Cùng với việc vinh danh tác giả, cần ghi khắc công đức những nhà  sưu tập di cảo, quyên góp tài chính và tổ chức san khắc lưu giữ bộ sách cho muôn đời sau.

Sinh thời Lãn Ông từng đau đáu việc khắc in nhưng lực bất tòng tâm. Khi nhận triệu vời lên Kinh chữa bệnh cho phủ chúa, có lúc ông già lười phân vân “nên đi hay nên trốn”, nhưng rồi nghĩ đến cơ hội có thể khắc in sách mà vui vẻ lên đường, tuy rằng cuối cùng vẫn không thực hiện được.

115 năm sau khi cơ bản hoàn thành bản thảo (1770), bộ sách “Lãn Ông Tâm Lĩnh” mới được khắc in xong dưới tên mới là Tân Thuyên Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh Toàn Trật vào năm 1885.

Công đầu sưu tập do Vũ Xuân Hiên người làng My Thứ huyện Đường An bắt đầu thực hiện từ năm 1755 (Ất Mão đời Tự Đức), ban đầu thu góp được 15 tập, sau được người cháu 5 đời của Lãn Ông ở xã Tình Diễm huyện Hương Sơn mang tới cho 21 tập nữa. Đến năm 1866 (Bính Dần) khi viết Nguyên dẫn (lời dẫn về nguồn gốc sách), Vũ Xuân Hiên cho biết mới sưu tầm, khảo đính, biên chép lại được 7-8 phần 10 (51 quyển), sau đó nhờ Tiến sĩ Lê Cúc Linh viết đề tựa và mang đến cho nhà sư Thích Thanh Cao, trụ trì chùa Đồng Nhân xã Đại Tráng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh khuyên đưa ra khắc in.

Hơn mười năm sau, nhà sư Thích Thanh Cao sưu tầm thêm được 4 quyển nữa, đến năm 1878, sư nhờ người soạn bài văn quyên tiền, kế đó hội họp các vị thân hào, giúp việc đi quyên góp để khắc bản, lại họp mặt rộng rãi các bậc nho y cùng bàn bạc khảo đính lại, rồi đưa vào khắc chữ từ năm 1879 đến năm 1885 mới khắc bản xong toàn bộ 27 tập 55 quyển.

So với nguyên tác 28 tập 66 quyển ghi trong Phàm lệ của tác giả, bản khắc in hiện tồn còn thiếu 8 quyển Giáp, Ất, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý trong tập Bách bệnh cơ yếu, thiếu 2 quyển NguyệtTinh tập Y phương hải hội , ngoài ra mất hoàn toàn tập Vấn sách ghi chép hỏi đáp về nghĩa lý và thực tế chữa bệnh khi giảng dạy giữa Lãn Ông và bè bạn, học trò.

Trong lời Nguyên dẫn, nhà sưu tập Vũ Xuân Hiên có viết: “Tiên sinh (Hải Thượng Lãn Ông) là một người duy nhất của nước Nam ta (…) Tôi nghĩ rằng nếu để một nhà, thì chỉ có một nhà được mang ơn, sao bằng công bố ra đời, để truyền bá được rộng rãi, ngõ hầu cái học thuật trong tập Tâm Lĩnh, đối với người giỏi có thể thâu lượm được tinh thần, đối với kẻ kém cũng dập theo được khuôn phép; mà chút lòng mong muốn vẹn tròn nhân thuật tốt đẹp kia của Tiên sinh không còn phải lo là không được truyền đạt. Còn những chỗ chưa được đầy đủ, xin đợi các bậc quân tử dạy bảo thêm”.

Còn sư Thích Thanh cao, người đứng ra tổ chức khắc bản, trong lời tiểu dẫn cho bản mới khắc bộ sách lại viết: “So với những người làm nhân thuật trước kia, thì Lãn Ông thực rõ ràng là một vị danh y nước Nam. Đạo nghĩa thơ văn nhuần nhuyễn thấm thía như đời thịnh Đường. Rất đáng tiếc rằng cuộc đời đổi thay dâu bể, sách đã bị tản mạn mất nhiều. Nếu không đem khắc bản, sẽ tản mát hết vậy thì cái mình đã được thấy đó, có còn bổ ích gì nữa?!”

Rõ ràng, nếu không có con mắt xanh của các nhà sưu tập, tổ chức quyên góp in ấn như Vũ Xuân Hiên, Thích Thanh Cao…thì không ai biết những di cảo của Hải Thượng Lãn Ông rồi sẽ ra sao, khó mà tưởng tượng được!

Chính nhờ ý thức bảo tồn di sản ông cha qua con đường truyền bá Y đạo nước nhà mà bộ sách của Lãn Ông được sao chép, sưu tầm, bảo quản và cuối cùng sau hơn 115 năm biên soạn đã được khắc bản lưu truyền cho đến ngày nay.

Vào những năm 60,70 của thế kỷ XX, giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, bộ sách nguyên gốc chữ Hán đã được dịch trọn ra chữ quốc ngữ và được xuất bản ở 2 miền Nam, Bắc Việt Nam.

Ngày 25 tháng 12 năm 2021, cùng với 22 bảo vật khác, mộc bản bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh (niên đại 1885 hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg.

Trong tương lai, với những giá trị nội dung, tính độc bản và nguyên gốc, mộc bản của bộ sách này xứng đáng được đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

P.C.T

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *