Chuyện Lão Lười: HÀNH Y SOẠN SÁCH
21/01/2024
Chuyện Lão Lười 8: HÀNH Y SOẠN SÁCH
Trong tiểu dẫn đầu tập Y Trung Quan Kiện soạn năm 1780, Lãn Ông viết: “Tôi chữa bệnh đã 20 năm nay, kinh nghiệm đã nhiều…”.
Trong tiểu dẫn đầu tập Y Hải Cầu Nguyên soạn năm 1782, Lãn Ông viết: “Tôi bỏ nho sang học thuốc hơn 20 năm”.
Trong tiểu dẫn đầu tập Vận Khí Bí Điển soạn năm 1786, Lãn Ông viết: “Tôi thuở trẻ gặp thời binh loạn phải ẩn náu giang hồ, sau lánh tới Hoan Châu, làm nhà ở Hương Sơn, đóng cửa đọc sách gần sáu, bảy năm tròn”.
Như vậy có thể xác định được chính xác thời gian Lãn Ông học thuốc là 6,7 năm từ sau 30 tuổi (khoảng 1753-1760) và chính thức bắt đầu hành nghề y, thâu nhận đồ đệ giảng dạy y thuật cũng như biên soạn sách từ năm 1760 (năm 37 tuổi).
Sau mười năm biên soạn, đến 1770 (lúc này Lãn Ông 47 tuổi), bộ sách cơ bản hoàn thành, nên tác giả đã viết lời Tự tựa và đặt tên bộ sách là “Lãn Ông Tâm Lĩnh”.
Trong phần Phàm Lệ nêu những quy ước biên soạn, Lãn Ông viết: “Đạo Y, là học thuật bảo vệ sự sống rất cao cả, là đầu mối vun trồng cội đức. Người có đầy đủ kiến văn, không thể nào không biết tới. Bậc trí giả không thể nào không biết rõ rằng mạng người ở trong tay mình, sự lành dữ do ở sự phán đoán trên đầu ngón tay xem mạch, sự mất còn thấy ở trong giây phút, há lẽ nào không cẩn thận sao nên. Tôi vào làng y đã hai chục năm, dốc tâm cầu đạo, những mong theo đuổi tới cùng không để hổ thẹn. Song vốn đã thiếu óc thông minh, lại không có thầy rèn cặp, học tập lại càng thêm cô độc hẹp hòi, những mong khơi thác đến cội nguồn, mới bõ công lội khơi hỏi bến. Tuy vậy, kiến thức nông nhưng ý nguyện sâu, chỉ biết dốc hết sự ngu đần của mình mà thành thực tìm tòi. Vậy nên lấy Nội Kinh làm gốc, lấy Phùng thị Cẩm nang và Cảnh Nhạc toàn thư làm cương lĩnh chủ yếu, tham khảo thêm các sách của các y gia tiên triết, hoặc có chỗ thì theo phần ý chính, hoặc giải thích rõ những chỗ khó khăn ngờ vực; hoặc biên chép thêm những chỗ chưa đủ; hoặc là nghiệm theo những chỗ tâm đắc. Hơn mười năm dốc hết can tràng mới thành sự nghiệp. sách hoàn thành chia thành 28 tập, gồm 66 quyển; mỗi tập đều có đầu đề, tiểu dẫn, mục lục thứ tự riêng biệt từng môn…”
Ở giai đoạn bộ sách cơ bản hoàn thành, về phương diện Lý luận cơ bản và Triết học Dịch lý gồm các thiên Y huấn cách ngôn và Y nghiệp thần chương trong quyển đầu và các tập sách: Nội Kinh Yếu Chỉ, Y Gia Quan Miện, Huyền Tẫn Phát Vi, Khôn Hóa Thái Chân, Đạo Lưu Dư Vận, Châu Ngọc Cách Ngôn,…
Về phương diện bệnh học, điều trị các khoa có các tập: Ngoại Cảm Thông Trị, Bách Bệnh Cơ Yếu, Ma Chẩn Chuẩn Thằng, Phụ Đạo Xán Nhiên, Tọa Thảo Lương Mô, Mộng Trung Giác Đậu, Ấu Ấu Tu Tri,…
Về phương diện Dược học và Phương tể có các tập Dược Phẩm Vựng Yếu, Lĩnh Nam Bản Thảo, Hành Giản Trân Nhu, Bách Gia Trân Tàng, Hiệu Phỏng Tân Phương, Tâm Đắc Thần Phương, Y Phương Hải Hội, …
Về phương diện Y án có 2 tập: Y Dương Án, Y Âm Án. Đặc biệt Y Âm Án là tập bệnh án ghi lại những trường hợp chữa trị thất bại, tử vong, có lẽ là tập y án có một không hai trong lịch sử y văn thế giới.
Giai đoạn sau năm 1770, Lãn Ông chỉ soạn thêm 3 tập lý luận cơ bản gồm Y Trung Quan Kiện (1780), Y Hải Cầu Nguyên (1782), Vận Khí Bí Điển (1786). Ngoài ra Lãn Ông còn viết tập Thượng Kinh Ký Sự (1783) kể lại chuyện lên kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm trong năm 1782. Thời gian hoàn thành các tập sách này đều được tác giả ghi rõ trong tiểu dẫn hoặc cuối sách.
P.C.T
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 13
- Tất cả: 38097