Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: BƯỚC NGOẶT HỌC Y

14/01/2024

Chuyện Lão Lười 6: BƯỚC NGOẶT HỌC Y

Giữa lúc tâm chí ngỗn ngang “Vào Tần đã không được/ Về Hán cũng chưa màng” thì một trận ốm định mệnh đã giáng xuống chàng thanh niên Lê Hữu Trác.

Hãy nghe lời của Lãn Ông kể tiếp trong bài Tự tựa: “Ngờ đâu trăm điều ràng buộc, tâm lực ngày một hao mòn, bị nhiễm phải bệnh nặng, kéo dài vài năm, tôi tìm tới thầy thuốc họ Trần ở núi Thành để chữa bệnh (thầy họ Trần tên Độc, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, học nhiều biết rộng là bậc cự phách văn chương ở đất Hoan – Diễn, tuổi trung niên đi thi hương nhiều khoa không đậu, liền dứt đường công danh ở ẩn tại núi Thành, học thuật nghề y rất thạo).

Độ hơn một năm, có một hôm nhân lúc rỗi rãi tôi mở đọc sách Cẩm nang (của Phùng thị), những chỗ sâu sắc về dịch lý âm dương trong sách thuốc tôi đều thấu suốt cả. Thầy Trần thấy tôi có năng khiếu, muốn dốc hết cả kiến thức của ông cho tôi. Khi ấy tôi chưa quyết tâm học, nhưng trong khi bàn luận về những chân lý uyên áo cũng có được những hiểu biết.

Vừa khi ấy, Hải tướng quân đang vây địch ở vùng Bào giang. Bè bạn tòng quân rất nhiều. Có người đề bạt tôi, tướng quân cho đem lễ vật tới triệu mời, nhân đó tôi mới yết kiến ở cửa quân. Tướng quân mật bàn, giao cho tôi đem quân vượt hiểm ngoặt phía sau quân giặc từ phía Cao châu xông ra, đánh úp viện binh của địch. Ngài lại nhủ rằng, việc bái tướng phong hầu, chính là ở chuyến này.

Tôi thầm nghĩ, trường đời danh lợi đã gửi cho nước trôi mây nổi từ lâu, liền cố ý từ chối vì cớ còn mẹ già không thể đi xa được. Tôi lại quay về Hương Sơn, làm nhà ở dưới rừng, quyết chí học tập nghề y. Tìm kiếm sách của mọi nhà y, ngày đêm dùi mài, không lỡ phí từng tấc bóng. Song, ở nơi xóm cùng hẻo lánh, trên thì không có thầy giỏi để thờ, dưới không có bạn tốt để giúp, tôi chỉ biết tự đặt câu hỏi, rồi lại tự trả lời, ở nhà một mình suy nghĩ tìm tòi.

Khi ấy ở ấp bên có thầy Trần người làng Đậu xá qua lại chơi rất thân. Cũng nhờ ông giúp đỡ cho những chỗ thiếu sót, trải qua hai ba năm, dần dà tôi đã có ít hiểu biết, song không tránh khỏi còn chỗ lầm lạc, ngờ vực.

Mùa thu năm Bính Tý (1756) lên Kinh tìm thầy. Nhưng giận rằng không có duyên để gặp được thầy giỏi, tôi lại trở về chốn cũ, tạ tuyệt chuyện chơi bời, đóng cửa đọc sách. Ngày tháng dầm thấm, tích lũy thời gian vào việc học tập. Việc chẩn trị có nhiều người khỏi bệnh, được trong quận gọi là thầy thuốc”.

Như vậy, chính Lãn Ông đã kể lại lại cho chúng ta biết con đường học y đã mở ra lúc đã ngoài ba mươi tuổi, tất nhiên vẫn còn nhiều gian truân phía trước. Sau này, trong tập Y Nghiệp Thần Chương, Lãn Ông đã viết: “Từ năm 30 tới 40 tuổi mới bắt đầu biết về nghề thuốc; từ 40 đến 50 tuổi mới bớt được chút ít sai lầm…”

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *