Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chành rành

30/01/2024

Tục ngữ miền Trung có câu: “Chành rành ra hoa, người ta chạp mả”. Thực ra, hoa chành rành mọc thành chùm li ti không hề có cánh, ít được để ý, còn cái mà nhiều người lầm tưởng là hoa nở rộ từ đầu tháng chạp đến hết giêng hai, chính là quả nang của cây này.

Quả chành rành có 2-3 cánh dạng màng màu xanh ngọc hay màu cánh sen nhạt trông như cánh hoa. Ảnh: P.C.T

Một bằng chứng cho sự nhầm lẫn ấy là đoạn tạp bút của một nhà báo ở Bình Định: “Ở quê mình, người ta hay lấy bó cây chành rành làm chổi quét sân. Thứ chổi ấy tốt gấp mấy lần chổi xương dừa, tàu cau… Hoa chành rành cũng rất hay. Cánh hoa rời rạc xếp xếp lên nhau như những chiếc lá nhỏ xíu. Bên trong màu xanh ngọc, nhưng ra rìa ngoài thì thành màu cánh sen nhạt. Chành rành mà nở là cứ như rủ nhau rùng rùng nở”.

Chành rành, còn có các tên: chành ràng, chằn rằn, rù rì, tên khoa học là Dodonaea viscosa (L.) Jacq., thuộc họ Bồ hòn – Sapindaceae. Đây là cây bụi hay cây gỗ nhỏ, cao khoảng 1m, thường xanh. Thân cành mọc đứng, hình trụ hoặc có 3 cạnh, vỏ mỏng, khi non có lông. Lá mọc so le, hình mác, có cuống rất ngắn, dài 5-15cm, rộng 15-25mm. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành ngù hay chùm, có 3-5 lá đài, 8-12 nhị, không có cánh hoa. Quả dạng quả nang, dài 15-22mm, có 2-3 cánh nguyên, tròn tròn, dạng màng; hạt màu đen.

Ở Việt Nam, chành rành chỉ thấy ở các tỉnh phía Nam, từ Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) đến đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Chành rành là loài cây ưa sáng, chịu được khô hạn, sống được trên loại đất nghèo dinh dưỡng như đất đồi thấp hoặc đất cát khô ven biển.

Cây ra hoa quả nhiều hằng năm, quả có cánh, phát tán nhờ gió. Do khả năng nảy mầm của hạt tốt nên phạm vi phân bố khá rộng. Chành rành có hệ rễ đặc biệt phát triển, rễ cọc chính cắm sâu dưới đất đến gần 2m; cây chặt phá nhiều lần vẫn tái sinh. Thân gỗ cứng, thường được làm củi, làm chổi hoặc để rào vườn.

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện Dược liệu), lá chành rành có vị chua hơi đắng, tính nhạt, mùi hơi thơm, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi. Vỏ và gỗ có tác dụng làm săn, hạ sốt.
Nước hãm lá được dùng uống trị sốt, thống phong, thấp khớp, vết thương sưng tấy và bỏng. Vỏ gỗ nấu nước tắm và chườm nóng có tác dụng làm săn. Cả cây và hạt được dùng để duốc cá.

Ở nhiều vùng trên thế giới, nước sắc lá, quả, vỏ hoặc gỗ chành rành được dùng làm thuốc hạ sốt. Dùng ngoài, lá tươi và khô, giã hoặc tán bột làm thuốc đắp trị vết thương, sưng tấy và để làm chín các mụn nhọt, lở loét, nhờ tác dụng làm săn của thuốc. Các chế phẩm  chành rành được dùng rộng rãi làm thuốc giảm đau, chống viêm, chống co thắt, kháng virus, hạ huyết áp, trị các rối loạn tiêu hóa, bệnh ngoài da và vết thương.

Ở Indonesia, người dân uống bột gỗ chành rành với nước trị đầy hơi. Ở Philippines, nước sắc vỏ cây trị eczema ướt và các vết loét đơn thuần. Ở Ấn Độ, lá chành rành trị vết thương, sưng tấy, bỏng, là thuốc hạ sốt và làm ra mồ hôi, trong bệnh gút và thấp khớp.

Ở Papua New Guinea, người ta uống nước sắc lá hoặc vỏ chành rành để trị tiêu chảy và lỵ, xát dịch ép lá hơ nóng trên các núm vú phụ nữ cho con bú để làm tăng tiết sữa… Trong y học cổ truyền của thổ dân ở Australia, người ta nhai lá và ngậm nước để trị đau răng, nhai lá và đắp lên vết thương do cá đuối đuôi mảnh độc cắn, và dùng nước hãm lá để nguội lau lên cơ thể hạ sốt.

Ở Nam Mỹ, nước sắc lá còn nóng tẩm vào gạc đắp băng chữa áp xe và nhọt. Ở Mexico, người ta dùng nước sắc lá để trị sốt, đau bụng, bệnh gút, thấp khớp và bệnh hoa liễu. Ở Qatar, lá chành rành trị ngứa, sốt và thấp khớp.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá, hoa, gốc được dùng trị viêm họng, ho gà và lở ngứa ngoài da; toàn cây dùng ngoài đắp mụt nhọt, chàm lở, mày đay, mẩn mụn.

Theo Nam phương trung thảo dược thái sắc đồ phổ (Nxb KH-KT Quảng Tây, Trung Quốc, 2005), chành rành vị nhạt, tính bình; tác dụng thanh nhiệt thẩm thấp, tiêu sưng giải độc. Rễ trị đau răng, phong độc dồn tụ, lá trị viêm tiết niệu, bỏng lửa, sưng đau mạn tính khớp vai, ung nhọt dưới háng (kỵ mã ung), nhọt độc. Liều dùng rễ và lá 30-60g, sắc uống; bên ngoài dùng lá giã đắp. Dưới đây là một số bài thuốc được dịch theo tài liệu này:

– Tiểu tiện buốt rát, bí tiểu: Lá chành rành tươi 30-60g, sắc lấy nước pha mật ong uống.

– Vai sưng mạn tính: Lá chành rành tươi 60-90g, Dế dũi 4-5 con, Đậu xị 30g, thêm cơm nguội vừa đủ giã nhuyễn đắp bó khớp vai.

– Mụn nhọt: Lá chành rành tươi giã nhuyễn đắp ngoài.

– Ung nhọt dưới háng (vùng hội âm): Lá chành rành tươi, lá niệt gió tươi lượng bằng nhau, thêm vào ít đường đỏ và cơm nguội, giã nhuyễn đắp.

– Bỏng lửa: Bột mịn lá chành rành hòa mật ong hay dầu sở bôi lên vết bỏng.

– Nhức răng: Rễ tươi chành rành 30-60g, sắc uống.

– Phong độc dồn tụ: Rễ khô chành rành 30g, thêm thịt heo nạc hầm ăn thịt uống nước, dùng lá chành rành tươi và đường đỏ giã nhuyễn đắp ngoài.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *