Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Bạch tật lê – cây thuốc quý thường gặp ven biển

22/12/2023

Gai ma vương là loài cây thuốc quý có phân bố ở ven biển miền Trung, nhưng đang bị đe dọa diệt chủng, đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam với cấp đánh giá “hiếm” (bậc R).

Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp một số quần thể rải rác ở bãi biển Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, nên đang đề nghị có kế hoạch trồng bảo tồn nguồn gen và phát triển kinh tế.

Gai ma vương mọc hoang dọc bãi biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: P.C.T

Gai ma vương, còn gọi là Gai chống, Thích tật lê, Bạch tật lê, Quỷ kiến sầu – Tribulus terrestris L., thuộc họ Gai chống – Zygophyllaceae.

Cây thảo hằng năm mọc bò lan, phân nhánh nhiều. Lá kép lông chim, mọc đối hoặc gần đối, gồm 5-7 đôi lá chét bằng nhau, phiến lá dài 6-15mm, rộng 2,5mm, phủ lông trắng ở mặt dưới. Hoa mọc riêng lẻ ở nách lá; lá đài 5; cánh hoa 5, mỏng, màu vàng, sớm rụng; nhị 10 có 5 cái dài, 5 cái ngắn; bầu 5 ô. Quả thường có 5 cạnh có gai và có lông dày. Hoa tháng 5-7, quả tháng 8-9. Người ta hái cả cành mang quả, phơi khô đập lấy những quả già dùng sống hay sao qua cho cháy gai để làm thuốc, gọi là Tật lê tử, gọi tắt Tật lê.

Theo Đông y, Tật lê có vị cay tính ấm; có tác dụng bình can giải uất, hoạt huyết khu phong, sáng mắt, chữa ngứa. Thường dùng chữa đau đầu, chóng mặt, ngực bụng trướng đau, tắc sữa, đau vú, mắt đỏ, nhức vùng mắt, chảy nhiều nước mắt, ngứa ngáy. Còn dùng làm thuốc bổ thận, trị đau lưng, tinh dịch không bền, gầy yếu; chữa loét mồm, mụn lở, viêm họng và chữa kiết lỵ.

Y học cổ truyền Ấn Độ dùng Tật lê làm thuốc hỗ trợ  sinh lý nam giới, cường dương, điều trị suy giảm chức năng sinh lý. Một nghiên cứu về tác dụng của Tật lê trên các tế bào xốp ở cơ quan sinh dục thỏ đã được thực hiện tại Đại học Y Khoa Singapore năm 2003 cho thấy, Tật lê thực sự có tác dụng làm tăng khả năng cường dương ở thỏ do sự gia tăng phóng thích nitric oxit (NO) từ tế bào endothelium và tế bào thần kinh nitrergic.

Thành phần toàn cây có chứa saponin steroid, chất này khi thủy phân sẽ cho diosgenin, hecogenin, tigogenin và pseudodiosgenin… Các saponin này có tác dụng làm tăng sinh tổng hợp testosteron trong cơ thể nam giới và do hàm lượng testosteron trong máu được nâng cao lên 30 – 40%, cơ thể trở nên sẽ tươi trẻ, cường tráng và giàu sinh lực.

Ngoài ra, Tật lê còn có tác dụng chống vữa xơ động mạch, kháng khuẩn, hạ huyết áp, giảm đường máu, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch, kích thích sản sinh tinh trùng…, do đó rất có lợi cho việc cải thiện chức năng sinh lý của đàn ông.

Một số đơn thuốc:

– Kinh trị mắt mờ: quả Tật lê ngày 7/7 âm lịch hái phơi râm cho khô, tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần uống sau ăn, dần dần sẽ khỏi (theo Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh).

– Chữa đau mắt, mộng mắt, nhìn không rõ: Tật lê 160g; Ngọc trúc 120g. Hai vị sao tán bột, mỗi lần dùng12g sắc chia 2 lần uống. Kết hợp dùng Tật lê cho nước đun sôi rồi xông hơi nước vào mắt.

– Chữa thận hư tiết tinh, di tinh, hoạt tinh, liệt dương: Tật lê 16g, Kỷ tử, Củ súng, Hạt sen, Nhị sen, Thỏ ty tử, Phúc bồn tử, Ba kích, Kim anh tử; mỗi vị 12g sắc uống.

– Chữa phong ngứa toàn thân, da khô ráp lâu ngày: Tật lê 160g, Ngọc trúc 120g, Kim ngân hoa 40g đều sao tán bột; Mè 80g ngâm đãi bỏ vỏ, giã nhuyễn. Tất cả trộn đều, luyện mật làm hoàn, uống với nước nguội mỗi lần 12g, ngày 2 lần (sáng, tối).

– Chữa hung tý (đau trướng vùng ngực): Tật lê sao tán bột, mỗi lần dùng 12g sắc uống, ngày 3 lần.

– Chữa chứng bôn đồn khí (có khối u di chuyển lên xuống trong bụng): Tật lê sao 400g, Tiểu hồi hương sao 120g, Nhủ hương, Một dược mỗi thứ 20g (sấy khô trên ngói). Tất cả tán bột, mỗi lần dùng 12g sắc uống, ngày 3 lần.

– Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng: Tật lê 12g, Đương quy 12g, nước 400ml sắc còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày.

– Chữa vú trướng đau hoặc ung thư vú: Tật lê sao tán bột, mỗi lần dùng 12g sắc uống, ngày 3 lần.

– Chữa đau răng, răng lung lay, chảy máu không dứt: Tật lê tán bột xát vào răng mỗi sáng hoặc hòa thuốc vào nước muối ngậm.

– Chữa loét mồm, mụn lở: Tật lê nấu cao trộn với mật ong bôi.

– Xóa vết sẹo: Tật lê và Chi tử, cùng tán bột, đổ giấm quấy sền sệt, khi đi ngủ đắp vào vết sẹo, sáng hôm sau rửa sạch.

Lưu ý: Người can huyết hư và phụ nữ có thai không dùng.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *